Hà Nội

Trà bát bảo giải nhiệt mùa hè

06-06-2013 09:31 | Y học cổ truyền
google news

Nắng nóng kéo dài, cơ thể dễ mất nước, kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt làm cho người mệt mỏi, khát nước, không muốn ăn...

Nắng nóng kéo dài, cơ thể dễ mất nước, kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt làm cho người mệt mỏi, khát nước, không muốn ăn, người bứt rứt khó chịu, đi giải ít, nước tiểu đỏ, đại tiện thường táo, rôm sảy, mẩn ngứa mọc khắp người, các bệnh mạn tính thường nặng lên, sức chống đỡ của cơ thể giảm đi, người dễ bị các loại vi khuẩn hoặc virut tấn công, xâm nhập... Đặc biệt, gan bị ảnh hưởng nên không làm tròn được chức năng giải độc của mình nên các bệnh ngoài da, mẩn ngứa phát triển rất nhiều. Dưới đây xin giới thiệu bài trà thuốc Bát bảo giải nhiệt mùa hè đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm nhưng có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng bệnh rất hiệu quả.

Bài thuốc gồm: nhân trần (hoặc bồ bồ) 10g, huyền sâm 12g, cây cối xay 12g, thổ phục linh 12g, cát căn (hoặc bã sắn dây) 12g, mạch môn 10g, diệp hạ châu 8g, cam thảo 8g (trọng lượng khô).

Tất cả 8 vị thuốc trên thái thật nhỏ, cho vào nồi với 3 lít nước, đun sôi nhỏ lửa trong 15 phút, bắc ra, để nguội, bỏ bã, uống nước thay nước chè hằng ngày. Liều lượng trên là một ấm trà dùng cho gia đình khoảng 3 - 4 người. Nếu nhà đông người, có thể dùng 2 ấm. Có thể mua nhiều để dùng dần cho cả mùa hè.

Trà giải nhiệt bát bảo có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tư âm, giáng hỏa, trừ thấp, giải độc, tiêu viêm, hoạt huyết, chữa mụn nhọt, lở ngứa, dị ứng, tăng sức chống đỡ của cơ thể... Nếu mùa đông dùng bài này thì thay vị diệp hạ châu bằng vị quế thông (hay nhục quế, quế chi) với liều 8g, đúng bằng liều của diệp hạ châu.

Trà bát bảo giải nhiệt mùa hè 1
 Trà bát bảo giải nhiệt.

Theo Đông y, các vị thuốc trên có công năng, tác dụng như sau:

Nhân trần có vị đắng, tính bình, hơi hàn (lạnh), vào kinh bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, dùng chữa sốt, người nóng, da vàng, tiểu tiện khó khăn, phụ nữ sau khi sinh, các bệnh về gan, mật, mẩn ngứa... Tây y nghiên cứu dược lý cho thấy, nhân trần làm tăng tiết mật, tăng thải độc của gan, kháng khuẩn và chống viêm mạnh.

Huyền sâm có vị đắng, mặn, tính hơi hàn, vào hai kinh phế và thận, có tác dụng tư âm giáng hỏa, trừ phiền, chỉ khát, giải độc, lợi yết hầu, nhuận táo, hoạt trường, dùng chữa các bệnh nhiệt, phiền khát, điên cuồng, yết hầu sưng đau, ung thũng, tràng nhạc, táo bón.

Cây cối xay có vị ngọt tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết, dùng chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, phù thũng sau khi sinh nở, kiết lỵ, tai điếc, mắt có màng mộng...

Thổ phục linh có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh can và vị, có tác dụng tiêu độc, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, trừ phong thấp, mạnh gân cốt, lọc máu...

Cát căn có vị ngọt, cay, tính bình, vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân, chỉ khát, thoái chẩn, thăng dương, chỉ tả.

Mạch môn có vị ngọt hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, giảm ho, cầm máu, làm mát tim, thanh nhiệt...

Diệp hạ châu có vị đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát khuẩn, tiêu viêm, tan ứ, thông huyết mạch, lợi tiểu. Nghiên cứu dược lý cho thấy, diệp hạ châu có hoạt tính bảo vệ gan, chống lại tổn thương tế bào gan, kháng hầu hết các loại vi khuẩn, kháng virut, diệt nấm, lợi tiểu, hạ huyết áp và hạ đường huyết. Trong lâm sàng, diệp hạ châu được dùng để chữa đau viêm họng, đinh râu, mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, phù thũng, sản hậu ứ huyết đau bụng, tưa lưỡi ở trẻ em, sốt, rắn rết cắn, rối loạn tiêu hóa, chữa các bệnh về gan, mật, các bệnh đường tiết niệu - sinh dục... Dùng ngoài chữa nhọt độc sưng đau, đinh râu, bị thương ứ máu, vết thương chảy máu, chữa vết thương lở loét lâu liền...

Chú ý: Phụ nữ có thai không nên dùng.

Cam thảo có vị ngọt, tính bình, để sống (đồ mềm, sấy khô) có tác dụng giải độc, tả hỏa; nếu tẩm mật sao vàng (chích cam thảo) lại có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Cam thảo sống có tác dụng chữa cảm sốt, ho mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau dạ dày, tiêu chảy, tỳ vị hư nhược, kém ăn, thân thể mỏi mệt.      

  BS. Nguyễn Đức Kiệt


Ý kiến của bạn