Hà Nội

Trà bát bảo - Bổ, mát, tiêu độc

09-04-2017 14:25 | Y học cổ truyền
google news

Trà bát bảo còn gọi là bát bảo lường xà (bát là tám, bảo hay bửu là quý, lường là đường và xà là chữ trà đọc chệch đi).

Trà bát bảo còn gọi là bát bảo lường xà (bát là tám, bảo hay bửu là quý, lường là đường và xà là chữ trà đọc chệch đi). Có người lại gọi là bát bảo lương trà (lương là lành, tốt). Đó là một loại nước uống đặc sản của người dân Hà Nội ở các phố cổ về mùa hè, thời tiết nóng nực. Thành phần của trà gồm lá tre 20g, để tươi; cành và lá kim ngân 5g; rễ cỏ tranh 5g; rễ ngưu tất 5g; ý dĩ 5g; thục địa 5g; cam thảo bắc 5g; mía 50g.
Liều lượng mỗi thứ có thể gia giảm, nhưng không nên nhiều quá làm nước nấu quá đặc. Có thể thay lá tre bằng rau má, rễ cỏ tranh bằng râu ngô, kim ngân bằng sài đất, ngưu tất bằng thổ phục linh, thục địa bằng huyền sâm hoặc hoàng tinh, cam thảo bắc bằng rễ hoặc cành lá cam thảo dây (hiện nay có xu hướng dùng cỏ ngọt vì có độ ngọt cao), ý dĩ bằng hoài sơn.

8 vị thuốc trong trà bát bảo có thể chia thành hai nhóm: nhóm những vị thuốc “mát” như lá tre, kim ngân, ngưu tất, cỏ tranh và nhóm những vị thuốc “bổ” như thục địa, ý dĩ, cam thảo, mía. Do đó, nước này có tác dụng bồi bổ, giải nhiệt, tiêu khát, lợi tiểu, giải độc, lại ngọt, thơm nên được coi là một loại nước giải khát rất tốt, nhất là với trường hợp “nhiệt”.

Những dược liệu trong trà bát bảo rất dễ kiếm trong thiên nhiên và ở các cửa hàng kinh doanh thuốc nam, thuốc bắc. Ta có thể tự pha chế trà bát bảo để sử dụng theo cách làm cụ thể như sau: Cho dược liệu đã thái nhỏ (liều lượng như đã nêu ở trên) vào nồi hoặc ấm nhôm, nấu với một lít nước đến sôi, rồi giữ âm ỉ trong 15-20 phút là được. Khi dùng, chắt lấy nước uống hay để nguội tùy sở thích của từng người. Dùng đến đâu, pha chế đến đó, không để trà lưu cữu qua ngày.

DS. Hữu Bảo
Ý kiến của bạn