TP.Hồ Chí Minh: Thuốc của VN Pharma chưa vào bệnh viện để điều trị ung thư

27-10-2017 07:30 | Pháp luật
google news

SKĐS - Trong thời gian qua, bên cạnh quan tâm về mặt pháp lý vụ án thuốc ung thư của VN Pharma, nhiều bạn đọc đã gửi thư về tòa soạn báo Sức khỏe&Đời sống với nỗi lo lắng duy nhất, thuốc của VN Pharma, H-Capita 500mg Caplet đã được đưa vào sử dụng trong các bệnh viện chưa.

Trao đổi với PV Sức khỏe&Đời sống, DS. Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Giám đốc phụ trách về dược (BV Ung bướu TP.HCM) khẳng định một cách chắc chắn, “Loại thuốc ung thư H–Capita chưa đưa vào bệnh viện, hoàn toàn chưa được sử dụng điều trị cho bệnh nhân ung thư.”

BV Ung bướu TP.HCM hiện là nơi đang điều trị hàng chục ngàn bệnh nhân ung thư ngoại trú và nội trú, ước tính hơn 15.000 bệnh nhân. Bệnh viện đã sử dụng khoảng 280 mặt hàng thuốc dược phẩm điều trị các bệnh ung thư, với 40% thuốc ngoại nhập. Riêng đối với loại thuốc ung thư nói trên, chưa một người bệnh nào được bệnh viện kê toa điều trị. Cho dù H-Capita đã trúng thầu của Sở Y tế TP.HCM vào năm 2014, nhưng ngay lập tức lô thuốc sau khi nhập khẩu đã bị niêm phong và tiêu hủy trước khi kịp tung ra thị trường.

Gia đình ông Trần Văn Quyết (Lâm Đồng) đùm túm nhau vào BV Ung bướu TP.HCM vì vợ ông, bà Vũ Thị Vy (SN 1960) mắc ung thư buồng trứng từ năm 2012. Ông Quyết cho biết: “Vợ tôi đã trải qua 3 đợt điều trị, mổ 2 lần. Lần này, vợ tôi vào để xạ trị, chất lượng điều trị tôi cảm thấy cũng khá hài lòng. Đối với chất lượng thuốc điều trị, tôi cũng chỉ lựa chọn tin tưởng vào bác sĩ. Quá nhiều người bị ung thư. Một người trong nhà bị ung thư, kéo theo công sức, tiền của cả nhà bỏ vào đấy. Chúng tôi vẫn mong muốn là không có thuốc kém chất lượng trong bệnh viện”.Dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý Dược Sở Y tế TP.HCM.

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý Dược Sở Y tế TP.HCM.

Theo TS.DS. Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược (BV Chợ Rẫy), với trách nhiệm quản lý Khoa Dược - nơi lưu giữ dữ liệu về mua sắm và sử dụng thuốc tại BV Chợ Rẫy, tại BV Chợ Rẫy, các gói thầu cung ứng thuốc được thực hiện trên cơ sở nhu cầu thực tế dẫn đến phát sinh thuốc và được sự phê duyệt của Bộ Y tế. Công ty VN Pharma có trúng thầu gói thầu thuốc năm 2014 tại BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, BV Chợ Rẫy chưa bao giờ sử dụng thuốc nào trong 7 thuốc ghi nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc. - Canada vốn đã bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) rút số đăng ký/giấy phép lưu hành vào tháng 9/2014.

Trả lời báo chí, ThS.DS. Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, số thuốc Công ty VN Pharma tuy đã trúng thầu nhưng chưa được đưa vào bất kỳ hệ thống bệnh viện nào tại TP.HCM, vì thế bác sĩ chưa kê toa và người bệnh cũng hoàn toàn không sử dụng loại thuốc đó để điều trị bệnh ung thư.

Theo đó, 2013 - 2014 là năm đầu tiên VN Pharma tham gia đấu thầu tại TP.HCM và trúng thầu khoảng 146 mặt hàng trị giá hơn 460 tỷ. Trong đó, H-Capita 500mg (hoạt chất capecitabin) do nhà SX: Helix Pharmaceuticals Inc. (Canada) với số lượng trúng thầu: 471.275 viên (giá là 31.000 đồng), tổng thành tiền: 14.609.525.000 đồng.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về việc rút giấy phép nhập khẩu của H-Capita của Công ty CP VN Pharma và rút số đăng ký của 7 loại thuốc do Helix Pharmaceuticals sản xuất và được VN Pharma nhập khẩu, Sở Y tế TP.HCM đã có các Quyết định số 3195 và 3196/QĐ-SYT ra ngày 6/10 và ngày 7/10/2014, hủy kết quả trúng thầu của VN Pharma vào địa bàn TP.HCM.

Nguyên lô thuốc 9.300 hộp thuốc H-Capita sau khi trúng thầu tại TP.HCM của VN Pharma, sau khi bị nghi vấn hồ sơ giả mạo đã bị công an niêm phong số thuốc này trong kho. Do đó, không một viên thuốc nào có cơ hội vào các bệnh viện.

Theo giám định của Bộ Y tế, lô thuốc này dù chứa 97% hoạt chất capecitabine nhưng lại là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

DS. Dũng cũng khẳng định, Sở Y tế TP.HCM luôn yêu cầu các bệnh viện theo dõi hiệu quả và độ an toàn của thuốc trên lâm sàng. Công tác quản lý, giám sát thuốc giả, thuốc kém chất lượng là công việc thường xuyên theo quy định của Sở Y tế TP.HCM. Đến nay chưa có bệnh viện nào phản ánh về chất lượng của thuốc trong điều trị. TP.HCM là trung tâm sản xuất phân phối thuốc chiếm thị phần rất lớn. Thách thức lớn nhất hiện nay là thuốc giả ngày càng tinh vi, mẫu mã bao bì đẹp, rất khó phát hiện bằng cảm quan nên đòi hỏi sự kết hợp liên ngành y tế, công an, quản lý thị trường. Hiện nay, ước tính TP.HCM có 1.145 công ty sản xuất kinh doanh thuốc trên địa bàn, có 6.500 nhà thuốc.


An Quý
Ý kiến của bạn