Trước nguy cơ dịch cúm A/H5N1 có thể xâm nhập bất cứ lúc nào, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã và đang tích cực sắp xếp giường bệnh, bố trí lại phòng ốc và nhân lực chuẩn bị đón đầu nếu phát hiện ca bệnh cúm tại thành phố. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị khoa nhiễm D với 20 giường cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân nặng và hơn 50 giường cho bệnh nhân từ nhẹ tới nặng.
"Bệnh viện chúng tôi đã có những kịch bản và sẵn sàng chuẩn bị về nhân sự cũng như trang thiết bị để đón nhận các ca nếu tình hình dịch cúm A/H5N1 xảy ra. Đặc biệt khoa nhiễm D luôn luôn có các giường hồi sức cũng như các giường bệnh để tiếp nhận ca bệnh từ trung bình đến nặng", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết.
Bác sĩ Phong cũng chia sẻ thêm: Cúm H5N1 có nguy cơ tử vong rất lớn. Đây là mối đe dọa không thua kém COVID-19. Khi bệnh nhân mắc H5N1 thì diễn tiến suy hô hấp rất nhanh, mặc dù mình điều trị tích cực thì tỉ lệ tử vong vẫn gần 70%, thật sự đây là một điều đáng lo ngại. Việc phát hiện sớm để tránh trường hợp lây lan ra cộng đồng rất quan trọng."
Bên cạnh việc giám sát tại các cửa ngõ, cảng hàng không và vùng giáp ranh thì Sở Y tế TP.HCM cũng đã giao trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi đến từ vùng dịch, đồng thời báo cáo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Thực tế cho thấy, TP.HCM là thành phố giao thông đi lại nhiều, số lượng người đi và đến rất lớn. Ngoài giao thông đường bộ còn có các cửa khẩu, cả cửa khẩu hàng không và hàng hải, do đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết: "Được sự chỉ đạo khẩn trương và quyết liệt của UBND TP, HCDC đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như với Chi cục thú y để giám sát tại các cửa khẩu, phòng dịch bệnh xâm nhập".
Bên cạnh đó, HCDC cũng tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng, chú ý đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch. Đồng thời thực hiện truyền thông phòng chống sự lây nhiễm từ gia cầm sang người, kiểm soát chặt chẽ cũng như phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.
Cũng theo bà Lê Hồng Nga, đại dịch COVID-19 đi qua để lại cho chúng ta không ít đau thương và nhiều kinh nghiệm. Đầu tiên là nhận thức của người dân trong việc tự giác bảo vệ bản thân mình trước sự lây nhiễm của các bệnh nguy hiểm. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để ngành y tế chuyển tải được những thông điệp truyền thông giáo dục sức khỏe về những hành vi phù hợp, đúng để ngăn ngừa bệnh cúm gia cầm trong cộng đồng.
Thứ hai là đại dịch COVID-19 cho chúng ta những bài học trong công tác tổ chức, giám sát và phòng chống dịch cũng như chăm sóc và điều trị tại cộng đồng. Thứ ba là sự phối hợp của liên ngành, "chưa bao giờ sự phối hợp liên ngành các bộ phận chuyên môn với chính quyền địa phương chặt chẽ như trong đại dịch COVID-19. Đó là một trong những tiền đề rất thuận lợi để chúng ta kiểm soát được cúm gia cầm trên địa bàn", bà Nga cho hay.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, virus cúm A/H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã. Virus này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lớn.
Do đó, bên cạnh các biện pháp đang được các cơ quan chức năng được thực hiện ráo riết thì các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa. Theo đó, người nuôi gia cầm tiếp xúc với gia cầm cần nâng cao tinh thần tự giác, phát hiện những bất thường trong nơi chăn thả của mình để ngăn chặn kịp thời.
Ngoài ra, người dân cũng cần lựa chọn những gia cầm có nguồn gốc, được đảm bảo kiểm dịch và chỉ sử dụng các loại thực phẩm này khi được nấu chín.
Bộ Y tế vừa có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Tại công điện do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành, cho biết, theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 22/02/2023 Campuchia ghi nhận 02 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 01 trường hợp đã tử vong. Đây là những ca bệnh cúm A (H5N1) trên người mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014.
Tại Việt Nam, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, đồng thời các lễ hội sau Tết nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.