Hà Nội

TP.Hồ Chí Minh: Đã có trường hợp tử vong vì tiêu chảy cấp

28-07-2014 10:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước cần dự trù đủ số lượng thuốc cấp cứu, thuốc điều trị, dịch truyền và các trang thiết bị y tế cần thiết để sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh tiêu chảy cấp

* Các cơ sở khám chữa bệnh cần tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu chảy cấp cho cán bộ y tế

* Phân loại, thu dung, điều trị và chuyển tuyến các trường hợp mắc bệnh tiêu chảy cấp phải đúng tuyến

Các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước cần dự trù đủ số lượng thuốc cấp cứu, thuốc điều trị, dịch truyền và các trang thiết bị y tế cần thiết để sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh tiêu chảy cấp

Đây là yêu cầu của Bộ Y tế đưa ra ngày 28/7 đối với các cơ sở khám chữa bệnh trước tình hình tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có một số ca bệnh tiêu chảy cấp phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt trong đó có trẻ 10 tháng tuổi trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, suy kiệt và đã tử vong.

Theo đó, trong văn bản số 4905/ BYT-KCB, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, để chủ động phòng, chống và điều trị hiệu quả bệnh tiêu chảy cấp, hạn chế tỷ lệ tử vong thấp nhất, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị khám, chữa bệnh trực thuộc khẩn trương thực hiện tốt các nội dung như : Bảo đảm đủ nguồn nước sạch sinh hoạt, điều kiện vệ sinh cho người bệnh, người nhà người bệnh như nhà vệ sinh, xà bông rửa tay, nơi rửa tay...tại cơ sở khám, chữa bệnh;

Tăng cường giáo dục, kiểm tra giám sát vệ sinh dịch vụ ăn, uống trong cơ sở khám, chữa bệnh. Phối hợp với đơn vị y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị chức năng khác của địa phương kiểm soát vệ sinh thực phẩm để người bệnh, người nhà người bệnh được ăn, uống hợp vệ sinh; Tăng cường các hình thức truyền thông để phòng, chống tiêu chảy tại các cơ sở khám, chữa bệnh;

Thực hiện vệ sinh, rửa tay sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy cấp

Thực hiện vệ sinh, rửa tay sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy cấp

 

Cũng theo yêu cầu của Bộ Y tế các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc tiếp đón, thu dung, chẩn đoán, phân loại, cách ly, điều trị, cấp cứu kịp thời, chuyển các trường hợp tiêu chảy cấp đúng tuyến; Chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu, chống dịch để cấp cứu, vận chuyển kịp thời các ca bệnh nặng khi có yêu cầu;

Liên quan đến công tác phòng và điều trị bệnh tiêu chảy cấp, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần tổ chức tập huấn lại cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại khoa, phòng, đơn vị liên quan như khoa khám bệnh, khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực, khoa nội, khoa nhi, khoa xét nghiệm, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, trạm y tế xã, y tế tư nhân… về các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu chảy cấp do các nguyên nhân khác nhau đã được Bộ Y tế ban hành;

Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay đã có một số ca bệnh tiêu chảy cấp phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh để được cấp cứu, điều trị và đặc biệt trong đó có trẻ 10 tháng tuổi trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, suy kiệt và đã tử vong.

Ngay sau khi có thông tin về vấn đề này, Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo Cục Y tế dự phòng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo, thực hiện khoanh vùng, tích cực tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh, quản lý người bệnh...; khống chế bệnh tiêu chảy cấp phát triển và hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; đồng thời thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực tại cộng đồng dân cư theo hướng dẫn chỉ đạo của y tế dự phòng các cấp.

Theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế bệnh tiêu chảy thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra và xâm nhập qua đường tiêu hóa, bệnh dễ bùng phát lan rộng nhanh và đe dọa tính mạng con người.

Thời tiết mùa hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.

Do đó, người dân cần: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như:

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi; nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ…

- Thực hiện ăn chín, uống sôi; không ăn rau sống, không uống nước lã.

 

 


Ý kiến của bạn