Hà Nội

TP.Hồ Chí Minh chi 7 tỷ đồng/ngày để lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động

11-06-2021 10:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 10/6, lãnh đạo UBND TP.HCM có buổi làm việc với Công ty PouYuen Việt Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19, khi công ty liên quan đến một ca mắc COVID-19. Công ty này hiện có hơn 56.000 công nhân.

Truy vết triệt để

Liên quan đến ca bệnh COVID-19 (BN9.499) được phát hiện trong Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Q.Bình Tân,TP.HCM), chiều 10/6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã cùng đoàn kiểm tra phòng, chống dịch đang được triển khai tại công ty.

Cùng tham dự có Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, BS Nguyễn Hoài Nam; Chủ tịch UBND Q. Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt và đại diện các sở, ngành.

 

Đoàn lãnh đạo thành phố kiểm tra tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam

Đoàn đã kiểm tra tại phân xưởng C (khu vực BN9.499 làm việc), khu vực nhà ăn và xưởng sản suất. Báo cáo với đoàn công tác, ông Tsai Wen Tsung - Tổng Giám đốc Tập đoàn Pouyuen khu vực Việt Nam khẳng định, từ đầu dịch đến nay (tháng 3/2020), Pouyuen đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Trong đó thực hiện nghiêm 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam, đồng thời lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch trong công ty để xử lý các tình huống phát sinh. Mỗi ngày công ty đều phát 1 khẩu trang cho công nhân (đã phát hơn 2,1 triệu khẩu trang y tế). Công ty đã gắn hơn 30 máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại để giám sát từ xa nhằm nhận diện sớm trường hợp nguy cơ. Công nhân cũng được chia ca để xuống đúng khu vực ăn theo quy định, mỗi bàn ăn đều có vách ngăn đúng tiêu chuẩn. Trước đây, công ty có hơn 300 xe đưa rước công nhân. Thực hiện khuyến cáo của ngành y tế thành phố, hiện số xe đưa rước là 672, mỗi xe chở không quá 20 người.

Trước khi lên xe đưa rước và vào công xưởng, người lao động được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn, khai báo y tế, ngồi giãn cách đúng quy định. Với trên 50.000 công nhân nên khu vực xưởng được sắp xếp, thiết kế lại với khoảng cách 2m/người, các khu vực công cộng có dán mã QR. Ngoài ra, khu vực nhà ăn, xưởng sản xuất… đều có gắn camera giám sát phục vụ công tác trích xuất, truy vết khi cần thiết.

Khu phân xưởng nơi phát hiện ca nhiễm COVID-19 của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam

Công ty đã hợp tác tốt với chính quyền địa phương để phòng, chống dịch. Tất cả các biện pháp trên nhằm bảo vệ tối đa cho người lao động, tạo mọi điều kiện đảm bảo sức khỏe để người lao động an tâm sản xuất.

Liên quan đến BN9.499, ông Nguyễn Minh Nhựt - Chủ tịch UBND Q. Bình Tân cho biết, sáng 9/6, khi phát hiện ca bệnh, ngay lập tức công ty đã phối hợp để truy vết những trường hợp có tiếp xúc. Qua công tác điều tra truy vết, có 141 F1 của bệnh nhân. UBND quận đã thông báo cho chính quyền địa phương nơi 141 F1 này để phối hợp đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Các công nhân này cư trú tại các quận, gồm: Q.6, Q.8, Q.11, huyện Bình Chánh và một số tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre.

Hơn 400 người làm chung phân xưởng C tại tầng 5 của toà nhà, xác định là F2 cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà. Khu vực đường số 6, khu dân cư Nam Long (phường An Lạc, Q.Bình Tân) – nơi nữ công nhân sinh sống cũng đã được phong tỏa tạm thời.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, công việc cấp bách hiện nay là tiếp tục truy vết những người từng tiếp xúc với ca mắc COVID-19. Vì vậy, công ty phải cho đội ngũ phụ trách hệ thống giám sát camera trích xuất lại để truy vết triệt để, không để bất kỳ trường hợp tiếp xúc nào với BN9.499 mà không được phát hiện.

Bảo vệ công nhân, không để đứt gãy sản xuất

Theo ông Dương Anh Đức, thành phố rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, đặc biệt là những cơ sở có đông công nhân như Công ty PouYuen Việt Nam (Công ty PouYuen Việt Nam hiện có hơn 56.000 công nhân).

Công ty có số lượng công nhân đông nên có nguy cơ rất cao. Mặc dù công ty đã có nhiều biện pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần phải nâng cao cảnh giác, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch ở tất cả các khu vực, không riêng nhà ăn hay dây chuyền sản xuất.

Trước đó, đoàn lãnh đạo thành phố do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu dẫn đầu đã kiểm tra công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong công ty, xí nghiệp, đảm bảo an toàn cho người lao động

Công ty cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch của công nhân. Tránh trường hợp quy định của công ty thì nghiêm, nhưng công nhân thực hiện không đầy đủ, không nghiêm túc dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

“Việc tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho người lao động, bảo đảm an toàn sản xuất của công ty cũng như đóng góp chung vào công tác phòng, chống dịch của TP.HCM. Thành phố luôn quan tâm và mong muốn công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục và tốt nhất”- Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Hiện nay, toàn bộ mẫu xét nghiệm được lấy tại Công ty PouYuen đã có kết quả âm tính. Ông Đức yêu cầu đơn vị không được chủ quan, bởi vẫn còn một số mẫu F1 do các tỉnh thành xét nghiệm vẫn còn đợi kết quả. Trong thời gian này, UBND các quận huyện liên quan và công ty cần phối hợp để quản lý các trường hợp F2 đang tự cách ly tại nhà. Đồng thời, công ty phải chuẩn bị phương án cho các tình huống dịch bệnh, thực hiện diễn tập phòng chống dịch. Các phương án có sự tham vấn, điều chỉnh từ ngành y tế để sát với tình hình thực tế.

Ông Đức đề nghị chính quyền các quận, huyện cần phối hợp quản lý công nhân ngoài khuôn viên công ty. Bởi hiện nay, sau giờ làm, nhiều công nhân vẫn tụ tập tại các chợ ven đường, chợ tự phát.

Tiêm vắc xin là biện pháp căn cơ

Về bảo vệ công nhân, người lao động, đảm bảo “mục tiêu kép”, cũng trong ngày 10/6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang phấn đấu lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM)

Cụ thể thành phố đã huy động lực lượng nhân viên y tế từ các bệnh viện, sinh viên các trường đại học y dược trên địa bàn để hình thành các tổ lấy mẫu xét nghiệm. Bình quân, mỗi ngày các đội lấy mẫu lấy được 50.000 mẫu, đặc biệt tập trung lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

 Hiện nay, riêng trong khu công nghiệp đang có khoảng 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia; trong khu công nghệ cao có khoảng 45.000 lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, do đó, để lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân người lao động, công suất lấy lẫu mỗi ngày có thể đẩy lên 70-80.000 mẫu. Về ngân sách cho việc lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động, mỗi ngày thành phố chi ra 7 tỷ đồng.

Bên cạnh xét nghiệm toàn bộ cho công nhân, người lao động, thành phố xác định tiêm vắc xin là yếu tố quyết định và căn cơ để đẩy lùi đại dịch. Do đó, thành phố đã chủ động liên hệ với các đơn vị sản xuất cung ứng vắc xin, tăng cường liên kết, tăng cường hợp tác, mua và vận chuyển về nước càng sớm càng tốt. Mục tiêu là tiêm vắc xin toàn dân, tuy nhiên khi nguồn vắc xin còn chưa đủ cung ứng thành phố đang thực hiện tiêm cho những đối tượng ưu tiên và người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, lộ trình sẽ có kế hoạch cụ thể. Thành phố cũng mở rộng cơ chế cho các doanh nghiệp mua vắc xin, với sự hỗ trợ kiểm tra chất lượng từ Bộ Y tế.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn