UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, TP.HCM xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị. Trong đó, phân công lực lượng làm công tác này theo hướng tập trung, chuyên sâu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
TP.HCM sẽ tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; các thủ đoạn gian lận về giá, đo lường, chất lượng, xuất xứ, hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ, tập trung vào nhóm các mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19...
Thành phố cũng xác định, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát; tránh trùng lặp nhưng cũng không bỏ qua kẽ hở; không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa. Kịp thời kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Để làm tốt những nhiệm vụ trên, UBND TP.HCM giao Cục Hải quan tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong khu vực kiểm soát hải quan tại các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn hải quan quản lý, tập trung vào các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để vi phạm như: lợi dụng thủ tục hải quan điện tử, hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập; lợi dụng chính sách ưu đãi hoàn thuế VAT đối với hàng hóa xuất khẩu, chính sách tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan…
Cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, lập danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh để có kế hoạch theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, dịch vụ và thương mại điện tử; xác định rõ địa bàn, đối tượng hoạt động, lĩnh vực và nhóm hàng hóa trọng điểm, đặc thù, xử lý triệt để các hành vi vận chuyển, chứa trữ buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ,...
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, thành phố yêu cầu Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, hàng điện máy, điện tử, đồng hồ, mắt kính, quần áo, giày dép, hóa chất, tiền chất công nghiệp, vật tư nông nghiệp, vật liệu và thiết bị xây dựng,...