Hà Nội

TPHCM xây dựng thành phố thân thiện với người cao tuổi

24-01-2024 06:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Để thích ứng với thực trạng già hóa dân số tại TPHCM, các chuyên gia đã “hiến kế” xây dựng thành phố thân thiện với người cao tuổi; thành lập trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tạo kế sinh nhai cho người cao tuổi...

Thông tin tại Hội thảo “Thích ứng già hóa dân số tại TPHCM tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" mới đây cho biết, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. 

Theo dự báo, năm 2036 nước ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già và năm 2069 sẽ rơi vào giai đoạn dân số rất già với 21,1% dân số trên 65 tuổi. TPHCM là địa phương xếp thứ 2 cả nước về tốc độ già hóa dân số. 

Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, từ năm 2017, người cao tuổi tại TPHCM bắt đầu tăng nhanh. Số liệu Bộ Công an cho thấy, tính tới ngày 1/12/2023 thành phố có tới 1.338.680 người trên 60 tuổi (chiếm tỷ lệ 12,24% trên tổng dân số).

Tại TPHCM, TP Thủ Đức đang có số người cao tuổi lớn nhất thành phố với 127.019 người, tiếp theo đó là quận Bình Thạnh với 95.352 người, Quận 12 có 90.731 người, đến quận Gò Vấp, Quận 8, quận Tân Bình... Quy mô người cao tuổi tại TPHCM đang tăng nhanh chóng cả về số lượng và tỷ trọng. Trong đó, nữ giới chiếm tỷ trọng cao hơn nam.

TPHCM xây dựng thành phố thân thiện với người cao tuổi- Ảnh 1.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, tỷ lệ già hóa dân số của TPHCM bị tác động bởi các yếu tố như mức sinh thấp, tuổi thọ dân số ngày càng cao và tốc độ già hóa dân số nhanh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay không những khiến TPHCM phải đối mặt với thách thức rất lớn về mặt kinh tế, văn hóa, y tế.... mà còn làm tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cho thành phố.

Để thích ứng với quá trình già hóa dân số, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để xây dựng xã hội, thành phố thân thiện với người cao tuổi nhằm thích nghi với thực trạng dân số hiện nay.

ThS. Nguyễn Quang Việt Ngân, Phó Trưởng khoa Địa lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn cho hay, để thích ứng được với hoàn cảnh hiện nay, thành phố cần phối hợp giữa nhiều ngành như y tế, giáo dục, dịch vụ... để thành lập cơ chế chung xây dựng thành phố thân thiện với người cao tuổi, giúp cho người cao tuổi có được cuộc sống tốt hơn.

Theo TS. Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa TPHCM, hiện nay, cả nước có khoảng 135 cơ sở đào tạo có đào tạo khối ngành sức khỏe bậc trung cấp, cao đẳng như Y sĩ đa khoa, Điều dưỡng, Dược sĩ, Hộ sinh, Y học cổ truyền, Kỹ thuật y học... nhưng vẫn chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành "Chăm sóc người cao tuổi" ở trình độ trung cấp và cao hơn.

"Việc đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi hiện nay chủ yếu là các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng. Vậy nên, cần triển khai đào tạo nghề chăm sóc người cao tuổi", ông Sáng nhận định.

TPHCM xây dựng thành phố thân thiện với người cao tuổi- Ảnh 2.

ThS. Nguyễn Quang Việt Ngân, Phó Trưởng khoa Địa lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa TPHCM cũng cho hay, việc mở ngành "Chăm sóc người cao tuổi" của của các trường trung cấp, cao đẳng sẽ cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về chăm sóc người cao tuổi từ đó khắc phục được tình trạng thiếu hụt, mất cân đối nguồn nhân lực hiện nay. Đồng thời, đáp ứng ngày càng hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và người cao tuổi nói riêng ở Việt Nam và phục vụ xuất khẩu lao động.

Theo ThS. Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển, số lượng người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở tập trung chiếm tỷ lệ rất thấp, ít hơn 0,5% số người cao tuổi toàn thành phố. Người cao tuổi chủ yếu là người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa hoặc diện chính sách nên mô hình chăm sóc người cao tuổi hiện nay chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình. Mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng chưa thật sự hiệu quả.

Tuy nhiên, nguồn lực chăm sóc của gia đình đang có chiều hướng suy giảm. Vậy nên, cần phát triển mạng lưới cơ sở chăm sóc người cao tuổi với các hình thức dịch vụ và loại hình đa dạng đáp ứng nhu cầu xã hội, thúc đẩy xã hội hóa việc đầu tư cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

BSCK2 Nguyễn Thanh Tuyền, Viện Y dược học dân tộc cũng cho biết, thành phố cần thành lập trung tâm điều trị chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm tạo không gian thoải mái, thư giãn nghỉ dưỡng như chăm sóc sức khỏe thể chất, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi.

Ngoài ra, các chuyên gia còn kiến nghị các giải pháp để thích ứng khác với hoàn cảnh già hóa như cần huy động nguồn lực từ gia đình, xã hội và ngân sách nhà nước hỗ trợ để tất cả người cao tuổi có thẻ BHYT; kết hợp những thành tựu của y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh cho người cao tuổi; hỗ trợ tạo kế sinh nhai cho người cao tuổi thành phố.

Xu thế già hóa dân số và giải pháp để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơnXu thế già hóa dân số và giải pháp để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

SKĐS - Dự báo vào năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già. Già hóa dân số là một thách thức rất lớn đối với ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong tương lai.


Phạm Thương
Ý kiến của bạn