TP.HCM: Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại

28-08-2019 10:27 | Xã hội

SKĐS - UBND TPHCM vừa ban hành văn bản số 3534 /UBND-VX về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban MTTQ , Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, Thành đoàn TP, UBND các quận, huyện và các hội đoàn, các tổ chức xã hội tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân và trẻ em về các biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em thông qua các phương tiện truyền thông, gia đình, cộng đồng, trường học… Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành về triển khai thực hiện quyền trẻ em, nhất là phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em và phòng, ngừa lao động trẻ em.

Trẻ em được chăm sóc, bảo vệ và được vui chơi giải trí. (Ảnh minh họa)

UBND TP cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo TP phối hợp các cơ quan liên quan rà soát tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời có biện pháp quản lý, giám sát, công khai hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; Tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn giáo viên, học sinh, các thành viên trong gia đình về kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em.

Ngoài ra, UBND TP cũng đề nghị Công an TP phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo TP khẩn trương kiểm soát, phát hiện và xử lý việc quảng bá, mua bán, lôi kéo thiếu niên, học sinh sử dụng ma túy, các chất hướng thần, nhất là qua mạng xã hội; Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, điều tra, xử lý đối với tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em; thông tin chính xác kịp thời về nội dung, quá trình giải quyết và kết quả xử lý các vụ việc liên quan xâm hại trẻ em cho các cơ quan truyền thông để góp phần định hướng dư luận và tuyên truyền pháp luật.

UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương; tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em; kịp thời thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực đảm bảo kịp thời hỗ trợ, can thiệp đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý che giấu, không thông tin, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý các vụ việc; tăng cường truyền thông về đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ trẻ em.

Đối với những trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn TP, UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan có liên quan đảm bảo công tác bảo mật thông tin vụ việc, vận động người dân biết thông tin không chia sẻ những thông tin liên quan đến trẻ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho trẻ (theo Điều 21 Luật Trẻ em về Quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em). Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử phạt đối với những cá nhân làm lộ thông tin theo quy định pháp luật.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, cơ quan điều tra trên địa bàn TPHCM đã khởi tố 282 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em; trong đó, có 270 vụ các cơ quan tố tụng thụ lý giải quyết nhưng có đến 101 vụ sau đó phải đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra (chiếm 37% tổng số vụ thụ lý).
Theo đại diện Sở LĐTB-XH TPHCM , khi các vụ bạo lực, xâm hại xảy ra, nạn nhân cũng như gia đình thường rất lúng túng, lưỡng lự trong việc thực hiện việc tố giác hành vi xâm hại trẻ.
Mặt khác, đa số trẻ em bị bạo lực, xâm hại và gia đình các em đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ nên không dám tố cáo kẻ gây án và cố gắng che giấu hoàn cảnh tổn thương của trẻ em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.
Trong khi đó, các nạn nhân bị xâm hại, bạo lực diễn ra trong một thời gian rất dài nên việc ghi nhận, cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi… thường không chính xác, đầy đủ, ảnh hưởng đến việc thu thập chứng cứ. Một số vụ việc do nạn nhân và đối tượng phạm tội có quan hệ gia đình, họ hàng, hàng xóm thân thiết với nhau nên nhiều trường hợp đã tự thỏa thuận, không trình báo sự việc với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Lực
Ý kiến của bạn