Hà Nội

TP.HCM trong danh sách 21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước

25-12-2022 08:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mức sinh thấp sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng tới an sinh xã hội...

Sở Y tế TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm 2022 do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế phát động với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững".

Việc thực hiện tốt công tác dân số là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và xã hội. Trong 61 năm qua, Đảng và nhà nước luôn đặt công tác dân số là một trong những nền tảng, mục đích cốt lõi của việc lãnh đạo và chiến lược phát triển của đất nước. Nâng cao chất lượng dân số luôn là vấn đề trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu trong triển khai các giải pháp quản lý nhà nước về công tác dân số.

Chính vì thế, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế đã quyết định chủ đề của Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2022 là "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững".

TP.HCM là một trong 21 tỉnh thành có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước - Ảnh 1.

Ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Thông điệp chủ đề Ngày Dân số Việt Nam 2022 như một lời kêu gọi các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm góp phần vào việc nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo hạnh phúc cho mỗi gia đình và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM phát biểu, cùng với cả nước, ngành dân số TP.HCM đã bắt tay thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số cho người dân từ rất sớm và đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý như: chủ động khống chế được tốc độ gia tăng dân số, mức sinh thay thế được duy trì trong 16 năm qua; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh... đây là những tiền để rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

TP.HCM là một trong 21 tỉnh thành có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước - Ảnh 2.

Trưởng Ban văn hóa Xã hội (HĐND TP.HCM) và Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM chứng kiến ký kết phối hợp liên ngành triển khai thực hiện công tác dân số và phát triển quận Bình Thạnh.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song việc triển khai thực hiện công tác dân số trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, tổng tỷ suất sinh của TP.HCM vẫn đang ở mức thấp so với mức sinh thay thế của cả nước (tổng tỷ suất sinh năm 2022 dự ước là 1,39 con/phụ nữ, thấp hơn năm 2021). Thành phố hiện đang là 1 trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước (gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang).

"Mức sinh thấp sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Đồng thời, dù tình trạng mất cân bằng giới tính đang được kiểm soát nhưng nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp can thiệp hiệu quả thì tỷ số giới tính khi sinh vẫn có thể tăng trở lại trong thời gian tới" - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho hay.

Dù chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ của con người ngày càng tăng lên, năm 2021 tuổi thọ trung bình là 73,6 tuổi cao hơn so với trung bình chung của khu vực Đông Nam Á nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Đồng thời, chỉ số phát triển con người (HDI) chưa cao, tầm vóc và thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc "già hóa dân số".

Ông Phạm Chánh Trung nhận định: "Để có thể giải quyết được các vấn đề cấp thiết của công tác dân số của Thành phố trong thời gian tới nhằm ổn định quy mô, cơ cấu dân số của Thành phố, góp phần tăng trưởng kinh tế, tác động đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn lực cho sự phát triển của Thành phố trong tương lai cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị và của tất cả nhân dân trên toàn Thành phố".

Để thực hiện tốt kết quả công tác dân số năm 2023 và những năm tiếp theo, ông Phạm Chánh Trung chia sẻ, ngành dân số Thành phố mạnh dạn đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm như:

- Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, Đảng, chính quyền đối với công tác dân số và phát triển;

- Thực hiện đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số, tiếp tục suy trì đẩy mạnh thông điệp truyền thông mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con tác động tới nhận thức của người dân, góp phần điều chỉnh, ứng phó với mức sinh hiện đang rất thấp và giảm sâu của Thành phố.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đảm bảo thực hiện tốt hơn pháp luật về chính sách dân số bảo đảm huy động đủ nguồn lực, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số;

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở các cấp, bổ sung biên chế làm công tác dân số ở các cấp Thành phố và quận huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của công việc đề ra...



P.Thương
Ý kiến của bạn