TPHCM triệt phá nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả

22-07-2025 15:08 | Thời sự
google news

SKĐS - TPHCM đang là điểm nóng về sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Hàng loạt vụ việc được triệt phá, thu giữ số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc, tổng trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngày 22/7, BS Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện TPHCM là một trong những đầu mối phân phối thuốc lớn của cả nước với 42 nhà máy sản xuất thuốc; 1.531 cơ sở bán buôn; 8.454 cơ sở bán lẻ thuốc; 647 cơ sở chuyên kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.

Về thực phẩm, thành phố có 2.832 cơ sở sản xuất, 13.747 cơ sở kinh doanh; gần 15.000 cơ sở bán thức ăn đường phố; 32 bếp ăn tập thể; 66 cơ sở chế biến suất ăn sẵn; 55 cơ sở bếp ăn trường học; 14,640 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; 3 chợ đầu mối và 229 chợ dân sinh; 52 trung tâm thương mại, 271 siêu thị; 3,200 cửa hàng tiện lợi.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả hiện nay trên địa bàn TPHCM rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng sản xuất thuốc giả bố trí cùng lúc tại nhiều địa điểm, sử dụng mạng xã hội hoặc ứng dụng giao hàng tận nhà để mua/bán nhằm che giấu địa điểm. Điểm sản xuất thường đặt tại các khu vực nhà không số, hoặc núp bóng dưới hoạt động sản xuất của các công ty bình phong…

TPHCM triệt phá nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả- Ảnh 1.

Các loại thuốc giả bị vứt ngoài bãi rác tại huyện Bình Chánh (trước đây).

Bác sĩ Nam nhận định, việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả là một hoạt động phi pháp nhưng mang lại lợi nhuận cao. Các đối tượng thường tập trung vào những mặt hàng có giá trị cao, không sản xuất với số lượng lớn mà xé lẻ hoặc sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất để lấy hàng nhằm tránh bị phát hiện.

"Trước đây, hàng giả lưu thông trên thị trường đa số là sản phẩm làm giả bao bì, tem nhãn mạo danh, tập trung vào những loại mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, các thương hiệu lớn trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở sản xuất hàng giả tự tạo mẫu sản phẩm không được cấp giấy đăng ký lưu hành, tự đặt tên cơ sở sản xuất, in số đăng ký hoặc số công bố sản phẩm giả, sử dụng mã vạch, mã QR giả, tem chứng nhận sản phẩm giả để đánh lừa cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng", bác sĩ Nam cho biết thêm.

Trong thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt ra quân đấu tranh phòng chống tội phạm về sản xuất kinh doanh hàng giả trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thuốc, dược liệu, mỹ phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Công an TPHCM phát hiện 9 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, trong đó triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thu giữ hơn 1.100 thùng thuốc thành phẩm, gần 1,6 tấn bột nguyên liệu không rõ nguồn gốc và toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Về công tác quản lý chất lượng thuốc và thực phẩm, Sở Y tế và Sở An toàn thực phẩm TPHCM đã chỉ đạo lấy 774 mẫu dược phẩm, 310 mẫu thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Kết quả phát hiện 20 mẫu dược phẩm (2,58%) và 52 mẫu thực phẩm (16,77%) không đạt chất lượng.

Từ ngày 1/1/2024 đến 30/6/2025, ngành y tế đã kiểm tra 7.739 cơ sở kinh doanh dược, phát hiện 92 cơ sở vi phạm, trong đó 36 cơ sở vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; xử phạt hành chính hơn 3,5 tỷ đồng.

TPHCM triệt phá nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả- Ảnh 2.

Từ ngày 1/1/2024 đến 30/6/2025, ngành y tế đã kiểm tra 7.739 cơ sở kinh doanh dược, phát hiện 92 cơ sở vi phạm.

Trong đợt cao điểm (15/5–13/6/2025), ngành y tế kiểm tra 1.285 cơ sở kinh doanh dược, phát hiện 1 cơ sở vi phạm do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xử phạt hơn 572 triệu đồng.

Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 173 vụ vi phạm về thuốc và 639 vụ vi phạm về thực phẩm. Lực lượng chức năng tạm giữ hơn 260.000 đơn vị thuốc và gần 391.000 đơn vị thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, tổng trị giá lần lượt hơn 14,9 tỷ đồng và 10,7 tỷ đồng; xử phạt hơn 13,9 tỷ đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 13 vụ có dấu hiệu tội phạm.

Từ tháng 01/2024 - 6/2025, các đơn vị, sở ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 TPHCM đã thanh tra, kiểm tra 27.711 vụ; phát hiện 4.415 vụ hàng cấm, hàng lậu; 21.821 vụ gian lận thương mại; 1.475 vụ hàng giả. Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 1.995 tỷ đồng, khởi tố 36 vụ với 89 đối tượng.

Trong tháng cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 3.341 vụ, thu nộp ngân sách hơn 228 tỷ đồng; khởi tố 2 vụ, 6 đối tượng.

Đáng chú ý, ngày 19/1/2024, Công an TPHCM phối hợp Công an tỉnh Bình Dương phát hiện một cơ sở sản xuất sữa giả tại TP Dĩ An, trị giá khoảng 14,5 tỷ đồng. Các đối tượng sản xuất sữa giả nhãn hiệu Abbott (Ensure, Ensure Gold, Glucerna…).

Cứ khoảng 10 ngày, đối tượng lại thay đổi địa điểm sản xuất từ TPHCM đến tỉnh Bình Dương (trước đây). Thủ đoạn bán hàng rất tinh vi, chỉ bán online qua các kênh thương mại điện tử Lazada, Shopee. Cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở An toàn thực phẩm TPHCM đã kiểm tra 3.704 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (không bao gồm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống), phát hiện 53 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động có thời hạn 11 cơ sở; buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật vi phạm hơn 142 triệu đồng.

Sở cũng đã tham mưu UBND TPHCM xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,55 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn 3 cơ sở; buộc thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng, tái chế hoặc tiêu hủy 11 loại sản phẩm thực phẩm; tiêu hủy 5.100 kg nguyên liệu, thực phẩm và buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật vi phạm là hơn 2,9 triệu đồng.

Riêng trong tháng cao điểm, Sở kiểm tra 295 cơ sở, phát hiện 14 cơ sở vi phạm, xử phạt 5 cơ sở với tổng số tiền phạt 270 triệu đồng.

Khởi tố Công ty TNHH dược phẩm quốc tế An Phát vì buôn thuốc giảKhởi tố Công ty TNHH dược phẩm quốc tế An Phát vì buôn thuốc giả

SKĐS - Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện rất nhiều thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả tại kho hàng của Công ty TNHH dược phẩm quốc tế An Phát



Nam Thương
Ý kiến của bạn