Hà Nội

TP.HCM: Tính đến phương án lều cách ly trong các sân vận động

31-05-2021 18:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi kiểm tra công suất cách ly tập trung của Ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM, nơi đảm bảo công suất tiếp nhận 19.000 người cách ly.

Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, trưa 31/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dẫn đầu đã kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận người cách ly tại Khu cách ly tập trung KTX ĐH Quốc gia TP.HCM.

Cùng đoàn có lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội Vụ, Bộ Công thương. Thành phần tham dự của TP.HCM có Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và đại diện các sở, ngành.

Sẵn sàng tiếp nhận người cách ly trong chiều nay (31/5)

Đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực đảm bảo các phương án cách ly tập trung từ cấp độ thấp đến cao tại khu ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là hệ thống KTX xây tại Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, gồm có ba khu: A, A mở rộng và B, diện tích quy hoạch cả ba khu là 59 ha (trong đó khu B là 38,8 ha). Các khu KTX hiện có tổng cộng 49 tòa nhà, dao động từ 5 đến 16 tầng chia thành 20 khu nhà. Với diện tích rộng lớn, các toà nhà với cơ sở vật chất đảm bảo, trước đó đầu năm 2020, nơi đây đã được TP.HCM chọn tổ chức thành khu cách ly tập trung. Hiện nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, khu cách ly tập trung tại đây được tái kích hoạt, khẩn trương chuẩn bị đón người đến cách ly.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (ngoài cùng, bên trái) cùng lãnh đạo các Bộ, ngành kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận người cách ly tại KTX ĐH Quốc gia TP.HCM

Đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, theo chỉ đạo, ngành giáo dục đã kích hoạt chuyển chế độ từ dạy trực tiếp sang online, khuyến cáo cho sinh viên trở về địa phương. Vừa qua, trong số 7.000 SV có hơn 1.000 sinh viên đi làm rải rác ở các đơn vị trên địa bàn thành phố, nên rất khó kiểm soát nguồn lây. Trong khu nhà khách, nhà công vụ của khu KTX đã có trường hợp F1 của ca bệnh. Xét nghiệm bước đầu âm tính, tuy nhiên nếu không quyết liệt thì khu KTX được đánh giá như một “quả bom”.

“Quyết định cho sinh viên về địa phương là quyết định rất khó khăn, nhưng sau khi cân nhắc lợi ích toàn cục và lợi ích cục bộ, chúng tôi đã quyết định quyết liệt thực hiện. Biện pháp trên đã đi trước 1 bước trong việc giảm lượng sinh viên ở khu KTX”- đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM.

Hiện nay, ở khu B, tất cả sinh viên đã về hết, các lực lượng liên ngành đã khẩn trương hoàn tất công việc. Khoảng 3 giờ chiều nay (31/5) có thể nhận người vào cách ly, công suất 100 phòng, theo kế hoạch có thể bố trí 4-5 người/ phòng. Tại khu A, có 25 cụm nhà, lượng sinh viên còn rất ít, đã có phương án chờ xe của gia đình đón về.

Dự kiến, trong chiều nay toàn bộ sinh viên sẽ về hết, các đơn vị sẵn sàng thiết lập lại để đón người cách ly. Hiện khu A có công suất 25.000 sinh viên. Tuy nhiên, khi tiếp nhận người cách ly, cần đảm bảo giãn cách; công suất tiếp nhận có thể giảm còn 9.000 người (2 người/ phòng).

“Trung tâm quốc phòng đã nhận người cách ly, hôm qua (30/5) có hơn 500 người vào cách ly. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục bàn giao cơ sở vật chất để bắt đầu nhận người cách ly. Chúng tôi luôn đồng hành cùng chủ trương của thành phố”- Đại diện KTX ĐH Quốc gia cho biết.

Được biết, KTX có quy mô 40.000 sinh viên. Trong điều kiện giãn cách tối đa, KTX có khả năng hỗ trợ 19.000 người cách ly và thực hiện cuốn chiếu từng khu. Đại diện KTX ĐH Quốc gia cho biết thêm, rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này có sự chủ động nên sự phối hợp giữa các bên nên cũng rất tốt. 

Đại diện KTX ĐH Quốc gia kiến nghị: Đợt dịch thứ 4 này xác suất nhiễm cao hơn, do đó đề nghị thành phố có chủ trương khẩn trương tiêm phòng cho người trực tiếp làm công tác trong khu cách ly. Khâu bảo quản tài sản cho người cách ly cần làm tốt hơn. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp các bên liên quan trong quản lý ra vào tại khu cách ly (y tế, công an, quân đội).

Thực hiện cách ly triệt để

Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định, hiện nay tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca nhiễm đang gia tăng ở trên thế giới và các địa phương trong nước. Do cấp độ lây nhanh hơn, khó kiểm soát hơn, nên các biện pháp cần quyết liệt, vừa chủ động phòng ngừa vừa chủ động tấn công.

Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra cơ sở vật chất tại khu cách ly tập trung KTX ĐH Quốc gia TP.HCM

Chủ động phòng ngừa tức là thực hiện triệt để 5K, giãn cách, cách ly, truyền thông giáo dục ý thức cho người dân. Bao gồm mọi thành phần, mọi giới cần nhận thức đúng các biện pháp phòng, chống dịch và trách nhiệm của mình. Chủ động tấn công, tức là tập trung phát hiện kịp thời, dập dịch triệt để.

Do tình hình diễn biến phức tạp, hy vọng thành phố sẽ triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch, ngăn được đợt dịch này, không để xuất hiện ổ dịch mới. Thành phố cũng cần dự phòng được các tình huống xấu nhất.

Trong tình huống giãn cách xã hội, không có nghĩa là “ngăn sông cấm chợ”, mà thành phố đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho người dân, vẫn đảm bảo duy trì sản xuất. 

Bên cạnh chủ động xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện, cần phải đảm bảo các phương án cách ly những ca nghi ngờ. Đảm bảo trong cách ly không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.

Riêng với công tác cách ly tại KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Giao cho ĐH Quốc gia chuẩn bị phương án cách ly với công suất cao nhất. Đến nay đã chuẩn bị phương án cách ly cho 19.000 người.

Cách thức cách ly 4 người trong 1 phòng không đảm bảo, cần giảm xuống chỉ còn 2 người trong 1 phòng. Thực hiện cách ly triệt để: Người cách ly người, phòng cách ly phòng, cách ly giữa các toà nhà, cách ly so với khu dân cư bên ngoài. Tuyệt đối không để lây nhiễm trong khu cách ly. Trong khu cách ly phải có nội quy, quy chế, kỷ luật, xử phạt hành chính ngay trong khu cách ly nếu vi phạm .

Hiện nay, công suất tại KTX đảm bảo 19.000 người, nhưng cần tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để có thể tăng thêm công suất tiếp nhận. Tình huống xấu nhất có thể tính đến các lều dã chiến cách ly ở các sân vận động, dứt khoát không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.

“Đối với cán bộ công nhân viên tuyến đầu đang làm trong khu cách ly, trong đó có thầy cô giáo đang phụ trách trong khu cách ly, đây là là sự hy sinh rất quý. Những người đang trực tiếp làm việc trong khu cách ly cũng cần được xếp vào đối tượng ưu tiên như quân đội, công an. Thành phố cần có chủ trương để tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 cho những nhân sự này”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn