Cả hai mức thưởng cao nhất đều thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa có báo cáo về kết quả khảo sát tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Cụ thể, tính đến hết ngày 20/12/2022, tổng cộng có 1.078 doanh nghiệp (sử dụng 221.745 lao động) trên địa bàn TP.HCM báo cáo.
Qua tổng hợp cho thấy, mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; tài chính - ngân hàng; thương mại; chế biến thực phẩm; sản xuất bao bì, nhựa, ... Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.
Đối với Tết Dương lịch, tiền thưởng bình quân là 3,14 triệu đồng/người, thấp hơn 7,37% so với kết quả khảo sát của năm 2022 (3,39 triệu đồng/người).
Tết Nguyên đán, tiền thưởng bình quân là 12,88 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với năm trước (8,88 triệu đồng/người).
Trong 1.078 doanh nghiệp gửi báo cáo, có 386 doanh nghiệp (chiếm 35,81%) cho biết, gặp khó khăn trong việc thưởng Tết cho người lao động.
Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ,...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng thực hiện thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Có 447 doanh nghiệp (chiếm 41,47%) cho biết, ngoài tiền thưởng Tết, còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe)...
Các doanh nghiệp cũng thông tin, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán trung bình từ 8-9 ngày. Trong đó, nhiều doanh nghiệp kết hợp bố trí giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về quê thăm gia đình.