Thực hiện kế hoạch tăng cường bác sĩ cho trạm y tế của Sở Y tế, bệnh viện huyện Củ Chi đã cử các bác sĩ đa khoa luân phiên mỗi 3 tháng đến công tác tại trạm y tế.
Ngoài ra, theo phân công của Sở Y tế, các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện hạng 1 và tuyến cuối của thành phố sẽ hỗ trợ tư vấn chuyên môn cho các bác sĩ của Trạm Y tế xã Phạm Văn Cội, bao gồm: BV quận Thủ Đức (BV hạng đa khoa hạng 1), BV Từ Dũ, BV Nhi Đồng 1, BV Mắt, BV Tai Mũi Họng, BV Răng Hàm Mặt, Da Liễu.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở y tế Thành phố, để quản lý và khuyến khích bà con đến khám và chữa bệnh tại các trạm y tế, phải tạo được niềm tin cho người dân, đây là yếu tố đầu tiên và quan trọng.
PGS.TS Tăng Chí Thượng giải thích "nguyên lý y học gia đình hiểu đơn giản là bước thứ nhất làm thế nào để tạo niềm tin cho người dân ở địa phương đến với trạm y tế, bước thứ hai là quản lý những bệnh mạn tính của người dân trên địa bàn, bước cuối cùng là quản lý sức khỏe, mỗi người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử".
Trạm Y tế xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi đã chính thức đổi mới hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình (25/04/2019)
Với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân trên địa bàn, Sở Y tế và UBND huyện Củ Chi sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo sâu sát để Trung tâm Y tế huyện Củ Chi và BV huyện Củ Chi tăng cường sự phối hợp và hỗ trợ cho Trạm Y tế xã Phạm Văn Cội triển khai đồng bộ đổi mới 5 nhóm hoạt động ưu tiên tại trạm y tế theo chỉ đạo của Bộ trưởngh Bộ Y tế, bao gồm:
Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ năng lực cho các hoạt động chuyên môn tại trạm y tế; Phát triển cơ sở hạ tầng theo quy chuẩn của Bộ Y tế về mô hình điểm của một trạm y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình;
Triển khai các hoạt động chuyên môn theo nguyên lý Y học gia đình, từ công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, công tác phòng chống dịch bệnh, công tác y tế công cộng cho đến hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu; Đổi mới công tác tài chính và cung ứng dịch vụ y tế tại trạm y tế, nhất là công tác chi trả BHYT; Đổi mới công tác quản lý tại trạm y tế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của trạm, tiến đến lập hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân trên địa bàn; Sở Y tế cũng yêu cầu BV huyện Củ Chi phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tiếp tục tăng cơ số thuốc cho trạm y tế và nghiên cứu giải pháp khả thi thực hiện trạm y tế “1 điểm dừng” trong việc thu nhận mẫu xét nghiệm và trả kết quả tại trạm y tế đối với những xét nghiệm không thực hiện thường quy tại trạm.
Được biết, khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, các trạm y tế phải đảm bảo thực hiện được các kỹ thuật cấp cứu ban đầu; khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phác đồ quy định; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm chuyển lên tuyến trên và trả kết quả tại trạm y tế, khám chữa bệnh theo y học cổ truyền có dùng thuốc và không dùng thuốc. Đồng thời, các đơn vị này phải cung ứng đầy đủ thuốc điều trị theo mô hình bệnh tật và theo gói dịch vụ y tế cơ bản.
Ngoài ra, các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình cũng phải thực hiện các chức năng y tế dự phòng. Trong quá trình quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn, các đơn vị này phải lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, sử dụng phần mềm để quản lý hồ sơ các bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, các trạm y tế này kết nối với BV quận, huyện để cập nhật thông tin khám chữa bệnh của người dân vào hồ sơ sức khỏe cá nhân; quản lý chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ, trẻ em.
Đến hết tháng 6/2019, Sở Y tế TPHCM sẽ hoàn tất 24/24 quận, huyện trên địa bàn có trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.