Thông tin này được bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết khi báo cáo với Đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022.
Theo đó, các Sở, ban, ngành đã và đang triển khai thực hiện các hoạt động thanh kiểm tra sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán theo Kế hoạch số 2078/KH-BCĐTƯATTP ngày 15/12/2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022. TPHCM thành lập 35 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã triển khai 11 đoàn kiểm tra và 24 đoàn của tuyến quận, huyện.
Đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TPHCM, tập trung vào những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong đó, tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Ngoài ra, còn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ đồ uống có cồn; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; bị phản ảnh từ các cá nhân, tổ chức, báo đài.
Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khi đến kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) bày tỏ lo lắng dịp Tết Nguyên đán sẽ có đột biến về giá cả, khi người dân TP.HCM có tâm lý ngại ra ngoài vì dịch bệnh mà tăng cường tích trữ hàng hóa, hoặc các doanh nghiệp thay đổi kế hoạch sản xuất.
Do đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị doanh nghiệp vừa đảm bảo ATTP và phải đảm bảo bình ổn giá khi thị trường có biến động. Đáp lại, phía doanh nghiệp cam kết sẽ không tăng giá hàng hóa 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Còn tại MM Mega Market, đại diện chuỗi siêu thị này cho biết, nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào dịp cuối năm, MM đã sớm chuẩn bị đa dạng các loại hàng hoá và thực phẩm Tết từ vài tháng trước, với mức giá phải chăng.
Cụ thể, siêu thị tập trung đảm bảo nguồn cung cho các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt, cá, hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống… và một số hàng phi thực phẩm như đồ dùng gia dụng: xoong nồi, muỗng nĩa, ly chén, đồ dùng lưu trữ thực phẩm,… nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu mua sắm mùa Tết, tránh tình trạng hàng hóa khan hiếm và giá cả leo thang trong dịp cuối năm.
Ngoài ra, để tránh việc tập trung đông người vào thời điểm cận Tết, MM khuyến khích người dân đặt hàng trực tuyến qua 3 kênh là website MM Click & Get, kênh Zalo và số hotline của trung tâm gần nhất. Hiện nay kênh bán hàng trực tuyến của nhà bán lẻ này đã có hơn 10.000 sản phẩm tập trung vào các nhóm ngành hàng thiết yếu như bánh kẹo, mứt, thức uống, thực phẩm tươi sống, để người dân dễ lựa chọn tiêu dùng trong dịp Tết.
Trước đó, UBND TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Cụ thể, yêu cầu Sở Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả… Sở Công thương theo dõi sát cung cầu hàng hóa trên địa bàn trước, trong và sau Tết để có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý.
Các trường hợp vi phạm về giá phải báo cáo ngay để có biện pháp xử lý.
Video đang được quan tâm
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?