TP.HCM tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp đầu cơ tích trữ nhu yếu phẩm

15-07-2021 18:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 15/7, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM đã họp sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đại diện Sở Công thương cho biết đang tăng cường kiểm tra xử phạt các trường hợp đầu cơ, tích trữ lương thực thực phẩm.

Theo đó, thực tế trong những ngày vừa qua có hiện tượng lan truyền các thông tin xấu, sai sự thật dẫn đến hoang mang dư luận. Từ những thông tin sai sự thật, xuất hiện tình trạng người dân tập trung đông tại các nơi buôn bán hàng hoá thiết yếu trong một vài thời điểm. Trong khi đó, có thời điểm các địa điểm cung ứng chưa kịp thời bổ sung các hàng hoá. Nguyên nhân do gặp phải một số hạn chế trong công tác vận chuyển và phương tiện vận chuyển, khó khăn trong tiếp cận chuỗi cung ứng.

Người dân mua thực phẩm tại phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức. Ảnh: H.T

Việc ngưng 3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố dẫn đến việc tiếp cận hàng hóa của tiểu thương hạn chế hơn nên giá cả một số mặt hàng tại chợ truyền thống tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên nhờ hệ thống các siêu thị nên giá các mặt hàng vẫn đảm bảo ổn định và không thay đổi.

Đối với thông tin một số người dân mua lượng lớn mặt hàng, đại diện Sở Công thương cho biết, đơn vị đã và đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát, tăng cường xử phạt đối với các trường hợp đầu cơ, tích trữ nhu yếu phẩm thiết yếu.

Được biết, hiện nay, tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn đã quy định giới hạn lượng nhu yếu phẩm được mua đối với từng người dân. Biện pháp này đã góp phần giảm bớt tâm lý mua nhiều, tích trữ lương thực thực phẩm của người dân.

Liên quan đến việc đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn TP.HCM và đảm bảo lưu thông hàng hoá đối với các tỉnh thành lân cận. Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho biết, Sở Giao thông – Vận tải đang nỗ lực đảo bảo lưu thông cho những phương tiện thuộc “luồng xanh” (những phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu – PV) đến thành phố hoặc quá giang qua địa bàn thành phố.

Hiện nay, Sở Giao thông – Vận tải cũng đang khởi xướng chương trình cấp mã nhận diện cho xe luồng xanh. Chương trình này áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin hoàn toàn, góp phần đáp ứng được lưu thông hàng hoá nhanh, kịp thời hơn.

Cũng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, một số tỉnh thành lân cận TP.HCM có những quyết định phòng chống dịch có phần gấp gáp, chưa có sự trao đổi với TP.HCM và cả tỉnh khác. Ông Lâm mong muốn đối với các quyết định dừng hoạt động phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm, các địa phương cần có sự thông báo với TP.HCM và các tỉnh thành để có sự thống nhất, triển khai các phương án tốt hơn.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố nhận được những đề xuất về việc lựa chọn một số ki ốt và tiểu thương tại một số chợ truyền thống để tiếp tục cho phép mua bán nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuy nhiên các quận, huyện, TP Thủ Đức cần có những tính toán về phương án phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Ví dụ, các quận, huyện có thể tính toán đến phương án kẻ vạch, phân ô tại các vỉa hà, sân vận động để tiểu thương mua bán nhu yếu phẩm thay vì lựa chọn mở lại gian hàng trong chợ truyền thống.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặc biệt lưu ý, các phương án cần được tính toán kỹ lưỡng và phù hợp với tình hình cụ thể tại từng địa bàn.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn