TP.HCM: Tăng cường giám sát các điểm nguy cơ sốt xuất huyết

01-10-2020 06:23 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có sự gia tăng, đặc biệt đã có 1 ca bệnh tử vong. Ngành y tế TP. HCM, cụ thể là y tế cơ sở tiếp tục tăng cường giám sát các điểm nguy cơ để kịp thời phòng chống dịch bệnh.

Từ đầu tháng 8 đến nay, tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM ghi nhận số ca bệnh SXH có sự tăng lên rõ rệt. Đặc biệt có những ca bệnh được đưa đến BV khi tình trạng đã nặng. TP.HCM đã ghi nhận 1 ca SXH tử vong.

Chậm đến bệnh viện, nhiều trẻ SXH biến chứng nặng

BV Nhi đồng 2 đang điều trị nội trú cho 30 trẻ do SXH, trước đó số ca trẻ bị SXH chỉ khoảng 10-15 ca mỗi tháng. Không chỉ gia tăng số ca bệnh, có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng. Theo BS Phạm Thái Sơn - Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, thời gian qua, BV đã tiếp nhận 3 trường hợp trẻ bị SXH nặng, trong đó 2 trẻ đã được điều trị ổn, 1 trẻ cần tiếp tục theo dõi biến chứng viêm màng não.

Trong những trẻ SXH nặng, điển hình có bệnh nhi T.M.P. (2 tuổi, ngụ Bình Dương) khi được đưa đến BV và phát hiện bị SXH thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, có nhiều dấu hiệu biến chứng màng não, được điều trị tích cực bằng hỗ trợ đường thở, truyền kháng sinh. Tương tự, bệnh nhi N.H.O. (9 tháng tuổi, ngụ Đồng Nai) được gia đình đưa đến BV trong tình trạng sốc SXH, sốt, lừ đừ, bỏ bú. Bệnh nhi được điều trị chăm sóc tích cực. Hiện bệnh nhi đang trong giai đoạn hồi phục nhưng cần được tiếp tục theo dõi thêm.

Tăng cường giám  sát các điểm nguy cơ sốt xuất huyếtLực lượng cộng tác viên y tế tại khu phố 4, phường Tân Quý, quận Tân Phú tuyên truyền phòng chống dịch tại một công trình xây dựng

Người thân của bé P. và bé O. cho biết, trước khi nhập viện khoảng vài ngày, cả 2 bé đều có biểu hiện sốt nhẹ, bỏ bú, kém ăn. Vì  chủ quan rằng trong nhà không có muỗi, bé không ra ngoài nên gia đình không nghĩ đến khả năng bé bị SXH, lại thêm tâm lý lo ngại dịch bệnh COVID-19, nên gia đình chần chừ không đưa con đến BV. Vào ngày thứ 3, bé đỡ sốt, nhưng sau đó sốt cao hơn. Lúc này gia đình mới đưa con vào BV khám mới phát hiện bị SXH, phải nhập viện điều trị.

Bên cạnh điều trị sớm, chế độ ăn cho người bệnh SXH cũng cần được chú trọng. Khi đang có sốt cao, người bệnh cần ăn thức ăn lỏng như sữa, cháo đường, nước chanh… nhằm mục đích đưa chất dinh dưỡng vào cơ thể và cùng với thuốc bồi phụ nước và điện giải do nhiệt làm khô hao và cơ thể hấp thu được dễ dàng. Khi bệnh đã giảm, người bệnh cần ăn cháo đặc, phở… sau đó chuyển về chế độ ăn bình thường.

Tại Khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 1, từ đầu tháng 8 đến nay đã tiếp nhận và điều trị cho 50 bệnh nhi bị SXH phải điều trị nội trú, trong đó có 5 trẻ nhập viện trong tình trạng nặng: sốc SXH, tri giác yếu… nhưng các trường hợp này đã được cấp cứu kịp thời. 4 trẻ đã hồi phục, còn lại 1 trẻ đang được theo dõi thêm.

Thống kê tại Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Thành phố, số ca bệnh SXH cũng đang được cảnh báo gia tăng so với các tháng trước. Tại đây đang có khoảng 20 trẻ mắc SXH phải điều trị, trong đó có 3 ca bệnh nặng đến rất nặng. Do được điều trị tích cực, kịp thời, các ca bệnh nặng hiện sức khỏe đều ổn định.

Mới đây, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) công bố trên địa bàn TP đã có ca bệnh SXH tử vong. Được biết, bệnh nhân nữ 16 tuổi, ngụ tại  quận 7, được gia đình đưa đến bệnh viện (BV) quận 4 do SXH khi tình trạng bệnh đã nặng. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển viện đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Người lớn, BV Bệnh nhiệt đới. Lúc này bệnh nhân đã ở ngày thứ 6 của bệnh, nhiều biến chứng nặng, dù được tích cực điều trị nhưng tiên lượng không qua khỏi, được gia đình xin xuất viện về nhà lo hậu sự.

Đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11, 12

Theo ThS.BS Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm HCDC, SXH là bệnh theo mùa. Tại TP.HCM, giai đoạn cao điểm của bệnh SXH thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau. Đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12. Dự báo trong những tuần sắp tới, số ca bệnh SXH hằng tuần sẽ tiếp tục có sự gia tăng.

Để phòng chống SXH, biện pháp quan trọng nhất là cộng đồng cùng thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại gia đình, môi trường xung quanh nơi ở. Bên cạnh phòng ngừa, việc phát hiện sớm bệnh đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn điều trị. Cụ thể, khi mắc SXH, bệnh nhân thường bắt đầu bằng sốt, mệt mỏi, phát ban… Ở ngày thứ 5-7 của bệnh, triệu chứng sốt thường giảm hoặc hết sốt tuy nhiên đây là giai đoạn dễ trở nặng. Do đó, người bệnh SXH cần được phát hiện sớm, chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có phác đồ điều trị, theo dõi phù hợp. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, người dân không nên quá lo lắng. Cần đến BV để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

sốt xuất huyếtKiểm tra việc diệt lăng quăng bọ gậy tại nhà dân trên địa bàn quận Tân Phú

Trước cảnh báo số ca bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11, 12, hiện nay ngành y tế TP.HCM, đặc biệt là y tế cơ sở đang nỗ lực các giải pháp để phòng chống SXH, không để xảy ra nguy cơ bùng phát các ổ dịch SXH trên địa bàn.

Thông tin về tình hình dịch bệnh SXH và các giải pháp phòng chống dịch tại huyện Củ Chi, BS Trần Huỳnh Lý - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Củ Chi cho biết, từ tháng 7 đến nay, số ca bệnh SXH trên địa bàn đang có sự gia tăng. Cụ thể, trong tháng 7 trên địa bàn ghi nhận 86 ca bệnh SXH, trong đó 75 ca điều trị nội trú. Trong tháng 8, số ca bệnh SXH tăng lên 103 ca. Đến nay, chỉ mới ở giữa tháng 9 nhưng số ca bệnh SXH đã ghi nhận 57 ca.

Huyện Củ Chi là địa phương rộng có dân cư đông đúc, đặc biệt là dân cư tạm trú gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bên cạnh đó trên địa bàn cũng có nhiều điểm nguy cơ SXH gồm các công trình xây dựng, khu vực đất trống… để nỗ lực trong phòng chống dịch SXH, Trung tâm y tế huyện Củ Chi đã giao các Trạm y tế, cộng tác viên tăng cường đến từng nhà dân để tuyên truyền diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ mùng, mặc đồ dài tay cho trẻ. Bên cạnh đó tăng cường theo dõi giám sát các điểm nguy cơ, ổ dịch trên địa bàn.

Tương tự, tại quận Tân Phú TP.HCM các biện pháp phòng chống SXH cũng đang được tăng cường, BS Lâm Phước Trí - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú, cho biết, thời gian vừa qua trên địa bàn không ghi nhận ca bệnh SXH từ ổ dịch mà một số ca bệnh xuất hiện rải rác tại các hộ dân. Hiện nay các trạm y tế đã phối hợp với các khu phố, ủy ban nhân dân phường và người dân thực hiện giám sát tốt các điểm nguy cơ ngay từ đầu năm.

 


THU THƯƠNG
Ý kiến của bạn