Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, bắt đầu từ tháng 3, số bệnh nhi đến khám tại bệnh viện liên quan đến mắc hoặc nghi mắc COVID-19 tăng lên. Trung bình mỗi ngày có 400 - 500 trẻ nghi mắc COVID-19 cần sàng lọc, trong đó có khoảng 80% trẻ mắc COVID-19.
Hiện bệnh viện ghi nhận trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến 11 (chưa tiêm vaccine) có tỉ lệ mắc và nhập viện cao hơn lứa tuổi 12-17.
BSCK2 Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em – Phòng khám chất lượng cao, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trẻ từ 5 đến 11 tuổi cũng giống như trẻ lớn, khi mắc COVID-19 cũng có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi và đa phần không đến mức nhập viện. Tuy nhiên, trẻ bệnh có thể về lây cho gia đình. Các phụ huynh khi ra ngoài xã hội áp dụng 5K rất tốt nhưng khi về gia đình, chăm sóc trẻ khó đảm bảo được 5K. Khi trẻ mắc COVID-19 sẽ dễ dàng lây sang những thành viên khác trong gia đình, khiến cuộc sống gia đình nói riêng bị ảnh hưởng, đưa đến ảnh hưởng chung toàn xã hội.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ có phản ứng phản vệ với vaccine hoặc bất kỳ thành phần nào trong vaccine được chỉ định không tiêm vaccine. Còn các trường hợp khác như trẻ có bệnh nền mãn tính, bẩm sinh sẽ được chuyển tiêm tại các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi hoặc ở các bệnh viện chuyên khoa Nhi.
Cũng theo bác sĩ Thanh Thùy, không ít phụ huynh lo ngại tiêm vaccine COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau cho trẻ, đặc biệt là tình trạng viêm cơ tim và chức năng sinh sản. Tuy nhiên, những lo âu này trước đây cũng đã từng có với các loại vaccine khác, như vaccine ngừa bệnh Sởi - Quai bị - Rubella, vaccine ngừa ung thư cổ tử cung... Theo thời gian, các loại vaccine này đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả bảo vệ rõ rệt, chẳng những cho bản thân người tiêm mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng. Điều đó đã trở thành niềm tin, cổ vũ cho hàng triệu triệu phụ huynh tham gia tiêm ngừa phòng bệnh cho con mình.
Hiện nay, số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ và ít nhập viện hơn người lớn nhưng hội chứng viêm đa cơ quan (gọi tắt là MIS-C, là tình trạng khi nhiều cơ quan trong cơ thể bị viêm gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc hệ tiêu hóa) có thể xảy ra vào tuần thứ 2 đến tuần thứ 6 sau khi khỏi bệnh ở trẻ chưa chích ngừa và chưa ghi nhận ở trẻ đã chích ngừa. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả bảo vệ rõ rệt của vaccine.
Về vấn đề không ít phụ huynh lo ngại tiêm vaccine COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau cho trẻ, đặc biệt là tình trạng viêm cơ tim, bác sĩ Thùy cho hay, các nghiên cứu cho thấy số trẻ bị viêm cơ tim rất hiếm và thường nhẹ, thoáng qua, trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 11 có triệu chứng nhẹ hơn ở 12 đến 17 tuổi.
Cũng liên quan đến vấn đề e ngại tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, trước đây Việt Nam vẫn còn nghi ngại khi cho trẻ 5 - 11 tuổi tiêm vaccine ngừa COVID-19, bởi thời điểm đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho lứa tuổi này. Nhưng hiện nay WHO đã khuyến cáo và nhiều nước đã tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi cho thấy hữu ích, an toàn.
"Trẻ em mắc COVID-19 cũng không nặng nhưng mà xét về lợi ích về sinh hoạt học tập thì nên cho trẻ tiêm", ông Dũng nói.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, hiện số ca mắc COVID-19 ở trẻ em có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh học trực tiếp trở lại. Tuần qua, trung bình mỗi ngày có 200 ca mắc COVID-19 được phát hiện tại trường ở tất cả cấp học. Tuy nhiên, số trường hợp phải nhập viện vẫn ở mức thấp.
Theo dõi tại 3 bệnh viện Nhi của TP.HCM ( Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố) cho thấy số trẻ mắc COVID-19 cần hỗ trợ hô hấp gần 2 tuần (từ 24/2-8/3) chỉ có 20 ca, trong đó 12 ca chuyển từ các tỉnh đến. Trong 5 ca phải thở máy xâm lấn, chỉ có 1 ca của TP.HCM, còn lại từ các tỉnh khác. Đặc biệt, TP.HCM chưa ghi nhận ca tử vong nào thời điểm này.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong 10 ngày qua (từ ngày 01/03 đến 11/03/2022), HCDC tổ chức các lớp tập huấn dành cho các đội tiêm, Trung tâm Y tế quận/huyện trên địa bàn Thành phố, ôn tập những kiến thức đã có, cung cấp và cập nhật thêm nội dung mới cho học viên nhằm chuẩn bị trước cho công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở trẻ từ 5 – 11 tuổi một cách an toàn nhất.
Cụ thể là, các học viên được hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng; Hướng dẫn theo dõi, xử trí sốc phản vệ sau tiêm vaccine; Cách xử trí cấp cứu tại điểm tiêm chủng; Quy trình chuyển tuyến đối với trẻ có chỉ định tiêm tại bệnh viện và chuyển viện khi có phản ứng sau tiêm xảy ra.
TP.HCM có khoảng 970.000 trẻ trong độ tuổi 5-11, trong đó 950.000 trẻ đi học (do Sở Giáo dục - Đào tạo thống kê) và 20.000 trẻ chưa đi học (do Sở Lao động -Thương binh & Xã hội TP.HCM thống kê). Dự kiến TP.HCM sẽ triển khai tiêm mũi 1 trong vòng 30 ngày, mũi 2 cũng sẽ tiêm trong 30 ngày. Ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, TP.HCM sẽ triển khai tiêm ngay cho trẻ độ tuổi nói trên.