TP.HCM: Số trạm cấp cứu vệ tinh tăng, cần hệ thống điều hành thông minh cho mạng lưới cấp cứu

16-07-2019 07:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ước tính đã có trên 25.000 cuộc gọi 115 đến các trạm cấp cứu vệ tinh tại TP.HCM trong năm 2019, điều này cho thấy người dân thành phố đã tin tưởng hơn với hoạt động cấp cứu của Ngành Y tế thành phố.

Ngày 15/7/2019, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề cấp cứu ngoài bệnh viện nhằm xác định những vấn đề ưu tiên cần tiếp tục được triển khai trong thời gian tới hướng đến nâng cao chất lượng cấp cứu phục vụ người dân trên địa bàn thành phố.

Số cuộc gọi cấp cứu tăng 3 lần

Trên địa bàn TP.HCM, số trạm cấp cứu vệ tinh tăng dần theo mỗi năm, cho đến nay đã có 31 bệnh viện công lập và tư nhân tự nguyện tham gia làm trạm vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115. Tương ứng, số lượt gọi 115 của người dân cứ tăng dần mỗi năm và đã tăng gấp 3 lần vào thời điểm hiện nay (ước tính trên 25.000 cuộc gọi trong năm 2019) nếu so sánh với năn 2015 (8.787 cuộc gọi) đã cho thấy người dân thành phố đã tin tưởng hơn với hoạt động cấp cứu của Ngành Y tế thành phố.

Hình thành các trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn thành phố là phù hợp với tình hình thực tiễn và là xu thế tất yếu hiện nay của nhiều nước trên thế giới. Nhiều trạm cấp cứu hoạt động rất hiệu quả, mang tính chuyên nghiệp như Trạm Cấp cứu tại BV đa khoa Sài Gòn, BV Sài Gòn Ito,… tổng số lượt xuất xe của các trạm cấp cứu vệ tinh ngang bằng với số lượt của Trung tâm Cấp cứu 115.

Nâng cao chất lượng cấp cứu cho người dân

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của các bệnh viện tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh góp phần đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân, theo Sở Y tế TP.HCM vẫn còn đó là những khó khăn cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để không ngừng nâng cao chất lượng cấp cứu cho người dân trên địa bàn thành phố.

Trước hết là phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công tác cấp cứu ngoài bệnh viện cho cả Trung tâm Cấp cứu 115 và cho các bệnh viện tham gia làm các trạm cấp cứu vệ tinh. Rất cần Bộ Y tế và các trường đại học y khoa có thêm mã ngành đào tạo loại hình chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic), đây là hướng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Hiện nay, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang phối hợp với một trường của Phần Lan thử nghiệm đào tạo loại hình “Điều dưỡng Paramedic”, hoạt động này đã mở ra hướng mới đáp ứng phần nào nhu cầu về nhân lực cho hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện. Trước mắt, trong năm 2019, Sở Y tế cùng với Hội Hồi sức Cấp cứu TP.HCM sẽ triển khai các khoá đào tạo nâng cao năng lực cấp cứu ngoài bệnh viện theo tài liệu chuẩn của WHO, Liên đoàn Cấp cứu thế giới và Hội chữ thập đỏ quốc tế ban hành .

Bổ sung và đa dạng hoá phương tiện vận chuyển cho hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện, bao gồm bổ sung xe cứu thương cho Trung tâm Cấp cứu 115 và các trạm vệ tinh, đa dạng hoá các loại hình vận chuyển cấp cứu, nhất là xe cấp cứu 2 bánh. Điểm khó và vướng mắc chung của các bệnh viện về định mức xe cứu thương sắp được giải toả khi Bộ Y tế sắp ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức xe cứu thương.

Khi đó, đối với các bệnh viện tham gia làm trạm vệ tinh rất cần được bổ sung định mức thêm ít nhất 1-2 xe cứu thương, trên cơ sở đó Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBNDTP đầu tư thêm xe cứu thương cho các bệnh viện tham gia là trạm cấp cứu vệ tinh. Ngoài ra, Sở Y tế sẽ nhân rộng thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh đối với những trạm vệ tinh đông dân cư, giao thông thường bị ùn tắt.

Triển khai hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện thông minh (Call Center): kết nối hiệu quả giữa Trung tâm Cấp cứu 115 với các bệnh viện sẽ tiếp nhận người bệnh được chuyển đến, kết nối giữa Trung tâm Cấp cứu với các trạm cấp cứu vệ tinh trong điều phối xe cứu thương, kết nối giữa chuyên viên cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 với người dân khi có nhu cầu cấp cứu.

Hiện nay, Trung tâm Cấp cứu 115 đã xây dựng đề án về xây dựng hệ thống điều hành thông minh, đề án đang được các Sở, ngành liên quan xem xét và hoàn chỉnh để trình UBND TP phê duyệt, hy vọng trong tương lai không xa hệ thống điều hành thông minh sẽ trở thành hiện thực, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng cấp cứu cho người dân trên địa bàn thành phố.

GS. Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM tặng Giấy khen cho các bệnh viện tham gia tích cực và hiệu quả làm trạm cấp cứu vệ tinh.

Các trạm vệ tinh của các bệnh viện tiếp nhận quà tặng thiết thực (máy sốc điện chuyên dùng) cho các bệnh viện có loại hình xe cấp cứu 2 bánh.

Kết nối hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện với các hoạt động cấp cứu chuyên khoa tại các bệnh viện như quy trình báo động đỏ trong chấn thương, trong cấp cứu sản khoa,…, quy trình cấp cứu đột quỵ, quy trình cấp cứu tim mạch.

Cùng với các chuyên gia của các Hội chuyên khoa, các bệnh viện đầu ngành, Sở Y tế sẽ xây dựng các quy trình phối hợp giữa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện với hoạt động can thiệp chuyên sâu trong cấp cứu người bệnh, hoạt động này chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả can thiệp điều trị và giảm tử vong.


L.Nguyên
Ý kiến của bạn