Đáng chú ý, các bệnh nhân này hầu hết đều chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine phòng COVID-19.
Là một chuyên gia truyền nhiễm, TS. BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, ông cũng có những tiên lượng trước rằng dịch COVID-19 sẽ gia tăng trở lại sau khoảng một thời gian im ắng.
Từ tháng 1 đến tháng 7/2022, TP.HCM cũng như cả nước có số ca mắc COVID-19 ít là do người dân được bao phủ vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ nhiễm bệnh giảm xuống rất nhiều.
Tuy nhiên, tính từ tháng 2/2022 đến nay đã qua 6 tháng sau chích ngừa, lượng kháng thể của mỗi người đã giảm, chính vì vậy miễn dịch cộng đồng từ tháng 8/2022 trở đi giảm xuống.
Cũng theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, do số ca mắc COVID-19 thời gian đầu và giữa năm 2022 ít, người dân nảy sinh tâm lý chủ quan, mong muốn được chích ngừa vaccine COVID-19 của người dân giảm đi.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ tháng 5/2022 đến hết tháng 7/2022, đơn vị không có bệnh nhân nào mắc COVID-19 phải ở nội trú. Tuy nhiên, từ tháng 8 trở lại đây, số lượng bệnh nhân gia tăng.
Trong tháng 8/2022, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM ghi nhận 41 trường hợp mắc COVID-19 phải nằm nội trú và 100% bệnh nhân mắc bệnh nền. Trong số 41 ca mắc COVID-19 có 21 trường hợp nặng và nguy kịch. Đáng chú ý, có 7 trường hợp mắc COVID-19 đã tử vong, trong đó có 4 người bị ung thư giai đoạn cuối.
Theo thống kê, trong 21 trường hợp nặng và nguy kịch, tuổi trung bình bệnh nhân là 69 tuổi, trong đó người trẻ nhất là 56 tuổi, người già nhất là 89 tuổi. Các bệnh nhân này đều có ít nhất một bệnh nền và 30% số bệnh nhân đó là người sống ở TP.HCM, còn lại là các tỉnh phía Nam khác. Và trong số đó chỉ có 28% bệnh nhân đã chích 3 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19, còn lại 72% tiêm 2 mũi trở xuống (trong đó khoảng 25% chưa tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 nào).
"Số lượng bệnh nhân nặng mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy chưa được chích ngừa là khá lớn. Điều đó cho thấy, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo và mở ra nhiều điểm tiêm chích ngừa ở các địa phương nhưng việc tìm được những bệnh nhân có bệnh nền cần phải chích ngừa còn thiếu sót", bác sĩ Hùng nói.
Việt Nam đã chích ngừa được hơn 250 triệu mũi, những tai biến do chích ngừa là cực kỳ nhỏ. Việc tiêm vaccine COVID-19 là "vũ khí" tối ưu cho cộng đồng, người dân đặc biệt là người có bệnh nền nặng.
Trước thực tế nhiều người dân sau khi đã tiêm mũi 2, mũi 3 nghĩ là đã có kháng thể trong người phòng COVID-19 nên e ngại không tiêm vaccine nữa, TS. BS Lê Quốc Hùng chia sẻ: Hiện nay, khả năng bảo vệ của các vaccine như Pfizer, Moderna chỉ từ 3-6 tháng, có nghĩa là người được chích vaccine chỉ được bảo vệ trong một khoảng thời gian, sau đó hiệu lực của vaccine sẽ giảm dần và mất đi. Nếu chúng ta chủ quan sẽ dễ mắc lại.
"Virus SARS-CoV-2 biến chủng liên tục và thời hạn trung bình để hết một đại dịch từ trước đến nay là từ 2 đến 3 năm. Chúng ta đã trải qua 2 năm đại dịch COVID-19, còn 1 năm trước mắt có thể có những biến đổi bất thường. Nếu chúng ta đối phó không tốt, có thể đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài. Và không có cách nào đối phó tốt hơn trong thời điểm hiện tại là tiêm vaccine", TS. BS Lê Quốc Hùng chia sẻ.
Ngày 7/9, thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, trung bình, mỗi ngày thành phố ghi nhận 86 ca mắc mới COVID-19. Trong 6 tuần gần đây, biến chủng BA.5 chiếm ưu thế, TP.HCM chưa phát hiện biến thể BA.2.74.
Hiện chỉ có 2/22 quận, huyện, TP Thủ Đức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi đạt tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung của cả nước (85%) là huyện Cần Giờ và Củ Chi; 21/22 địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi thấp hơn trung bình cả nước (55,9%); 20/22 địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước (53,4%).