Ngày 24/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, việc tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chưa bao giờ tạm ngưng, kể cả trong thời gian khi thành lập Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
Trung bình đến nay, mỗi ngày cơ sở 2 này tiếp nhận từ 1.2000 – 1.300 người khám ngoại trú, chủ yếu thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán, tầm soát ung thư.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được thành lập trong khuôn viên Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 hiện đã ngưng hoạt động từ ngày 14/3. Công việc bàn giao sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết ngày 30/3.
"Sau ngày 30/3, các hoạt động sửa đổi, chuyển đổi công năng từ điều trị COVID-19 sang hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân ung thư sẽ được tiến hành ráo riết và dự kiến xong trước 30/4. Sau ngày 30/4, bệnh viện mở hết toàn bộ khu hồi sức cho bệnh nhân ung thư", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay.
Về việc đề xuất cho F1 đi làm, đi học trực tiếp mà chưa cho F0 đi làm như một số tỉnh thành đã áp dụng là Cà Mau, Long An, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho rằng, tại TP.HCM, sau khi đánh giá tình hình các ca nhiễm trên địa bàn, Sở đã tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP ban hành văn bản cho phép F1 được đi làm, đi học với các điều kiện kiểm soát, để chống lây lan dịch ra cộng đồng.
Cũng theo Sở Y tế, Bộ Y tế quy định hiện nay F0 vẫn là người bệnh, vẫn được cách ly điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện. Những đề xuất, tham mưu của Sở Y tế TP.HCM nhằm mục tiêu là kiểm soát dịch thật tốt để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, ổn định và phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cũng lý giải thêm, trong thời gian vừa qua, theo sát các ca bệnh và bệnh viện cũng như những ca chuyển biến nặng cho thấy, mặc dù các ca tử vong đang giảm rất thấp, tuy nhiên ca nặng chưa giảm một cách bền vững. Số ca nhiễm tăng dẫn đến số ca nặng tăng và kéo theo tử vong tăng. Do vậy cần kiểm soát không để số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.