Theo Sở Y tế TP.HCM, tàu cứu thương là một trong các mục tiêu quan trọng được nêu trong đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp tại TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2030 vừa được Sở Y tế trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Dự kiến, giai đoạn từ năm 2023-2025 TP.HCM sẽ triển khai hoạt động cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ với vị trí bến đỗ là cảng đóng quân của Bộ đội biên phòng Cần Giờ. Tàu cứu thương sẽ được trang bị các trang thiết bị y tế chuyên dụng như hai băng ca đặc thù; hệ thống oxy, monitor theo dõi; các loại máy thở di động; máy hút đàm; máy sốc điện; máy ép tim tự động và các túi dùng dụng cụ, thuốc cấp cứu chống nước phù hợp với môi trường.
Đặc biệt, tàu được trang bị phương tiện thông tin liên lạc để phối hợp với các lực lượng cứu nạn cứu hộ trong cấp cứu và vận chuyển cấp cứu bằng đường thủy. Đồng thời, đội ngũ nhân viên y tế phục vụ trên tàu cấp cứu đảm bảo có sức khỏe tốt, năng lực phù hợp để ứng phó với các trường hợp cấp cứu.
Theo đó, Trung tâm cấp cứu 115 đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn y tế, Bộ đội biên phòng Cần Giờ sẽ đảm nhận nhiệm vụ vận hành, bảo trì, sửa chữa phương tiện cấp cứu.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc cấp cứu khẩn cấp trên đường thủy nội địa, vùng giáp biển, đảo, vùng sâu và vùng xa… đang vượt quá khả năng của các cơ sở y tế. Với các tình huống đe dọa tính mạng cần chuyển ngay đến các bệnh viện tuyến trên bằng các phương tiện cấp cứu đường bộ và đường hàng không không thể đáp ứng. Vậy nên, việc triển khai mô hình cấp cứu bằng đường thủy là rất cần thiết. Mô hình cấp cứu bằng tàu thủy sẽ giúp cấp cứu kịp thời cho người dân khu vực huyện Cần Giờ và các vùng lân cận.
Từ sau năm 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1, ngành y tế TP.HCM sẽ đề xuất mở rộng mô hình cấp cứu đường thủy tại khu vực trung tâm Thành phố với bến đỗ tại bến Bạch Đằng (quận 1).