Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra cảnh báo trong buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TP.HCM, nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát mạnh trở lại vào cùng thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn thành phố.
Bà Như nhấn mạnh "TP.HCM sẽ chịu nhiều thiệt hại nếu nguy cơ này thành hiện thực".
Số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM đang có xu hướng tăng nhẹ dù số ca nhập viện chưa có dấu hiệu tăng rõ ràng. Trong khi đó, thành phố đang phải đối diện với dịch sốt xuất huyết phát triển mạnh trong thời gian gần đây.
Riêng tại TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết tính tới ngày 5/7 là 23.000 ca, tăng 184% so với cùng kỳ. Số ca tử vong do sốt xuất huyết hiện là 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em, tăng 9 trường hợp so với trung bình 5 năm vừa qua.
6 tháng cuối của năm 2022 là cao điểm của mùa mưa, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tăng, số ca nặng, tử vong cũng sẽ tăng theo. Nếu không có các biện pháp phòng bệnh ngay từ bây giờ thì nguy cơ bùng dịch, chồng dịch rất lớn.
Đối với dịch sốt xuất huyết, hiện chưa có thuốc đặc hiệu và vaccine phòng bệnh nên biện pháp tốt nhất là tăng cường các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi và lăng quăng. Người dân cần chú ý các vật dụng chứa nước vì việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp bách để giảm nhanh số muỗi tăng trưởng, nhưng khi hóa chất hết hiệu lực, lứa muỗi mới lại phát sinh. Vậy nên các biện pháp phòng dịch cần triển khai quyết liệt, bền bỉ và đồng bộ để nhanh chóng kiểm soát được dịch.
Còn với COVID-19, bà Lê Thiện Quỳnh Như khẳng định: "Quan trọng hơn hết là các biện pháp dự phòng. Cần tuân thủ vấn đề mang khẩu trang và khử khuẩn khi đến nơi công cộng. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân. Nguồn vaccine của TP.HCM hiện nay rất dồi dào. Hôm 4/7, TP.HCM đã nhận thêm 117.000 liều vaccine Pfizer đợt 151, thành phố cũng chuẩn bị nhận đợt vaccine 152 với 677.430 liều để tiêm chủng đầy đủ cho người dân.
Đứng trước nguy cơ bùng dịch, đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng đã nêu ra các giải pháp ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch. Cần phải chuẩn bị nguồn lực nhằm đối phó với những tình huống, diễn biến xấu của dịch COVID-19 và sốt xuất huyết để sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung, điều trị.