Được biết, đây là lần sinh thứ 3 của sản phụ H.T.N., 40 tuổi. Hai lần trước, chị N. sinh thường và các con sinh ra đều nặng trên 3 kg. Do chủ quan hai lần mang bầu trước sinh con thuận lợi, lần này chị N. không khám thai đều đặn, chỉ đến khi có dấu hiệu sinh chị mới tới bệnh viện.
Tại Bệnh viện Lê Văn Việt, qua thực hiện các xét nghiệm, thăm dò chức năng, các bác sĩ nhận thấy thai nhi có kích thước lớn, người mẹ bị tiền sản giật và đái tháo đường nên sản phụ được chỉ định phẫu thuật lấy thai.
Theo bác sĩ, việc thai nhi 6.1 kg là hiếm gặp và có rất nhiều nguy cơ cho mẹ và bé khi chuyển dạ sinh. Riêng trường hợp này người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ (có thể bị đái tháo đường trước mang thai hoặc khi đang mang thai) mà không được khám và tư vấn điều trị của bác sĩ. May mắn là sản phụ đã nhập viện siêu âm, xét nghiệm máu xác định rõ bị tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ nên bác sĩ quyết định mổ cấp cứu kịp thời.
Hiện sức khỏe của người mẹ và bé sơ sinh ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ cho biết, thai phụ có thai to bất thường thường gặp ở người mẹ mang bầu bị đái tháo đường. Việc người mẹ mang bầu bị đái tháo đường có rất nhiều nguy cơ như mẹ bị tăng huyết áp, tiền sản giật, các biến chứng sản khoa...; những em bé sinh ra có cân nặng lớn thường gặp các vấn đề về suy hô hấp và hạ đường huyết sau sinh.
Do vậy, bác sĩ khuyến cáo các mẹ bầu cần khám thai định kỳ để phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ (thường được làm xét nghiệm đường huyết lúc thai 24 đến 28 tuần). Nếu mắc đái tháo đường thai kỳ, các bác sĩ sẽ lên kế hoạch theo dõi sát chỉ số đường huyết định kỳ, tư vấn chế độ ăn phù hợp, kết hợp vận động để kiểm soát đường huyết ổn định và cân nặng thai nhi được tốt hơn.
Tại Việt Nam đã có nhiều ca sinh to nhưng với số cân của trẻ sơ sinh lên tới 6,1 kg cũng được là hiếm.
Bé sơ sinh nặng nhất Việt Nam đến nay là em bé sinh ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), nặng 7,1 kg.