Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD), Viện Y tế công cộng TP.HCM (YTCC) cùng với nhiều đơn vị liên quan tổ chức hội thảo giới thiệu đề án “Tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc thông qua tăng cường thưởng phạt và sự tham gia của cộng đồng”.
Tác hại của khói thuốc là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Cùng với các tổn thất về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói.
Ông Võ Khánh Hưng – Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, hiện nay, tại những điểm giao thông công cộng các bến xe, nhà chờ, xe khách… việc hút thuốc lá vẫn còn, người vi phạm chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng để ngưng hút thuốc và không bị phạt tiền. Thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại một số điểm giao thông công cộng chưa thực sự được quan tâm đúng mức mặc dù mọi người đều mong muốn được sống trong môi trường sạch không khói thuốc lá.
Triển khai thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc tại bến xe buýt Sài Gòn và bến xe miền Tây.
Để tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đòi hỏi phải tăng cường luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tránh trường hợp hơn hai năm vẫn không xử phạt được trường hợp nào. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là vấn đề nan giải, dù đã được quan tâm đến từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn không thể cải thiện. Đặc biệt là tại các bến xe, tình trạng này khó kiểm soát mặc dù đã có cảnh báo. Tuy nhiên, luật quy định không hút thuốc ở “trong nhà” trong khi người dân thì hút tràn lan trong khuôn viên rất khó xử lý.
“Để tạo hình ảnh đẹp tại các điểm giao thông công cộng, để giao thông công cộng văn minh, thân thiện với môi trường thì nhất định phải làm khó khăn cho người hút thuốc lá. Đó là biện pháp hữu hiệu quả nhất”, ông Trịnh Văn Hiệp chuyên gia PCTH thuốc lá chia sẻ.
Thực tế, qua quan sát tại bến xe miền Tây và bến xe buýt Sài Gòn thời gian qua cho thấy, tại 2 bến xe này đều có biển báo "Cấm hút thuốc" nhưng rất khó quan sát, thuốc lá tại khu vực bến xe rất dễ mua. Tuy nhiên, để xử phạt được thì phải mời cơ quan chức năng đến lập biên bản, đây là khoảng trống của luật gây khó khăn cho công tác quản lý.
Theo bà Nguyễn Hoàng Yến- Giám đốc Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng, mục của đích đề án là hướng đến giảm 50% số người hút thuốc lá thụ động tại 2 bến xe buýt Sài Gòn và bến xe Miền Tây vào cuối năm 2020. Theo đó, tiến tới chấm dứt việc hút thuốc lá trên phương tiện vận tải hành khách.
“Để làm được điều này, chúng ta sẽ thực hiện 3 bước. Đầu tiên là tuyên truyền, cảnh báo sau cùng mới xử phạt. Xử phạt là biện pháp cuối cùng giúp định hướng ý thức người dân từ từ trở thành nét văn hóa chung của cộng đồng. Để làm được điều này đòi hỏi chúng ta phải kiên trì thực hiện”, bà Yến chia sẻ.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.
Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới ở mức 45,3%, nữ 1,1%. Trong năm 2015, người Việt đã chi hơn 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá.
Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
Một nghiên cứu tại BV K cho thấy, 90% ca ung thư phổi có hút thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.