TP.HCM quyết liệt xử lý vi phạm trật tự xây dựng

13-01-2020 08:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đến nay tình trạng vi phạm trên địa bàn thành phố đã giảm cả quy mô và số lượng.

Dấu hiệu tích cực

Là một đô thị năng động, nhưng vi phạm trật tự xây dựng ở TP.HCM có nhiều diễn biến phức tạp. Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Chỉ thị 23 của Thành ủy TP.HCM, đã làm giảm đáng kể vi phạm. Sau hơn 4 tháng (tháng 7/10), các cơ quan quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã vào cuộc mạnh mẽ, phát hiện xử lý nhiều vi phạm. Số công trình vi phạm là 804, trong đó sai phép 309 công trình và không phép 495 công trình, bình quân 5,4 vụ/ngày. Nếu so bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày, thì số vụ vi phạm đã giảm 3,1 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 36,9%. Chỉ thị 23 đã tạo hiệu ứng sâu rộng trên toàn thành phố, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm trật tự xây dựng.

Khu phức hợp Dragon Riverside City quận 5 xây dựng sai phép.

Khu phức hợp Dragon Riverside City quận 5 xây dựng sai phép.

Tại các địa phương, theo ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, tình hình vi phạm tại quận 7 đã giảm mạnh. Nếu năm 2018 cả quận có 141 trường hợp vi phạm, thì đến hết 30/11/2019 toàn quận chỉ có 42 trường hợp vi phạm. Tại Bình Chánh, số công trình vi phạm trật tự xây dựng trung bình còn 6 vụ/tháng, giảm 5 vụ/tháng, tỷ lệ giảm 45% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 23. Trong quý 1/2020, địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế dứt điểm 13 công trình. Đây là những công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch có quy mô lớn, phức tạp, tồn tại thời gian dài, gây bức xúc dư luận.

Hay tại quận 12, trong năm 2019, UBND quận 12 đã ban hành 29 kế hoạch tổ chức thi hành các quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 347 công trình vi phạm. Cụ thể, đến ngày 30/11, quận 12 đã lập kế hoạch cưỡng chế 151 trường hợp. Trong 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), số công trình vi phạm trên địa bàn quận đã giảm 12,75%.

Thực hiện mọi giải pháp

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 4 tháng thực hiện Chỉ thị 23, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy và chính quyền các cấp trong cuộc chiến với xây dựng không phép, sai phép. Chỉ sau 4 tháng, đã có 7/24 quận, huyện có mức độ vi phạm trật tự xây dựng giảm hơn 50% (tính từ tháng 6-10/2019). Có 13/24 quận, huyện có mức độ vi phạm trật tự xây dựng giảm từ 20-45% và 4 quận huyện không giảm (quận 11 không tăng không giảm; quận Thủ Đức, quận 4 và huyện Cần Giờ tăng). Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây là kết quả rất đáng mừng, nếu không có sự quyết liệt của thành phố, các sở, ngành và các quận, huyện thì chắc chắn kết quả sẽ tăng chứ không giảm sâu như hiện nay.

Một công trình không phép tại  KP 2, phường Thạnh Lộc, quận 12.Một công trình không phép tại  KP 2, phường Thạnh Lộc, quận 12.

Một công trình không phép tại  KP 2, phường Thạnh Lộc, quận 12.

Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, sở dĩ quận 9 đạt được nhiều kết quả trong giảm thiểu vi phạm trật tự xây dựng vì Quận uỷ quận 9 chỉ đạo cấp ủy, đảng bộ cơ sở tổ chức quán triệt và triển khai Chỉ thị 23 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thực hiện cam kết bản thân và gia đình không vi phạm, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về đất đai, xây dựng.

Còn theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc tìm ra đúng nguyên nhân để xử lý vi phạm trật tự xây dựng cũng là một trong những lý do khiến tình hình vi phạm giảm rõ rệt. Ông Hoan nhận định, hành vi vi phạm trật tự xây dựng có nguyên nhân xuất phát từ người trực tiếp xây dựng, xin phép nhưng vẫn xây dựng sai. Có sai phạm có lỗi cố ý của nhà đầu tư. Có những sai phạm do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, để cải thiện, các địa phương phải tạo thuận lợi cho người dân khi làm các thủ tục hành chính. Đồng thời, về phía người dân, nhà đầu tư phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thành phố kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm bằng biện pháp hành chính, kinh tế, kể cả biện pháp hình sự.

Dù công tác quản lý nhà nước đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các địa phương, tình hình vi phạm sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Huyện Bình Chánh tự đánh giá, công tác quản lý công trình không phép, sai phép còn nhiều hạn chế. Tại một số xã, phường, việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu chưa đạt hiệu quả, có dấu hiệu che giấu vi phạm. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Đội Thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh (Thanh tra Sở Xây dựng) và UBND các xã chưa chặt chẽ, nhiều công trình xây dựng không được phát hiện, xử lý kịp thời.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện các địa phương là điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng như quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh cho biết, để Chỉ thị 23 đạt kết quả tốt nhất, địa phương đã đề nghị công an tập trung xác minh, đấu tranh, xử lý hình sự các nhóm, đối tượng đầu nậu tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định, bảo kê xây dựng không phép. Ngoài các biện pháp mạnh như cưỡng chế công trình vi phạm quy mô lớn, nghiêm trọng; ngưng cung cấp dịch vụ điện nước, ngừng đăng ký kinh doanh, phong tỏa tài sản..., địa phương sẽ chủ động rà soát quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất, tốc độ tăng dân số từ đó đề xuất điều chỉnh để phân bổ phù hợp đất nông nghiệp phục vụ cho đất ở; tập trung rà soát, điều chỉnh kịp thời các đồ án quy hoạch 1/2.000, tháo gỡ tình trạng ách tắc các kho bãi, bến bãi trên địa bàn, tháo gỡ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân do vướng quy hoạch.

Phát biểu định hướng việc thực hiện Chỉ thị 23 trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến vai trò của cấp ủy, yêu cầu cấp ủy phải vào cuộc quyết liệt. Địa phương nào để xảy ra sai phạm thì cấp ủy phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát, củng cố cơ sở pháp lý các quy định về quản lý trật tự xây dựng. Đến trước ngày 31/12/2019, sổ tay hướng dẫn xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố được đưa tới các phường và đưa lên trang tin điện tử để tất cả người dân đều tiếp cận được. Từ tháng 1/2020, tất cả các giấy phép xây dựng tại tất cả các công trình đều phải công khai trên trang tin điện tử của quận, huyện để người dân giám sát.


Vũ Nguyên
Ý kiến của bạn