Trong chiều ngày 26/6, Ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP.HCM đã có chủ trì buổi làm việc với các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các đơn vị chức năng về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì cuộc họp tại đầu cầu trực tuyến huyện Hóc Môn
Tại điểm kết nối được đặt tại UBND TP HCM còn có sự tham dự của Ông Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tham dự tại UBND TP.HCM
Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát
Theo báo cáo từ ngành Y tế TP.HCM, tính đến 06 giờ ngày 25/6, trên địa bàn TP.HCM đã có 2.549 trường hợp bệnh nhân COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó có 2.302 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 90,31%), 243 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 9,53%), 04 trường hợp lây trong khu cách ly VNA (0,16%).
Tính riêng trong khoảng thời gian từ 6 giờ ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6, TP.HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp TP.HCM ghi nhận số ca mắc COVID-19 và là ngày ghi nhận số ca nghi nhiễm cao nhất tại TP.HCM từ trước đến nay. Tuy nhiên trong đó có 99 trường hợp trong khu phong tỏa, 538 trường hợp trong khu cách ly
Đối với việc ghi nhận số nghi nhiễm cao nhất từ trước đến nay tại TP.HCM, Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM phân tích thêm, trong số 667 ca nghi nhiễm này có 99 trường hợp trong khu phong tỏa; 538 trường hợp trong khu cách ly, 14 trường hợp tầm soát, sàng lọc khi khám tại bệnh viện, 01 trường hợp bị phơi nhiễm nghề nghiệp, 1 trường hợp khi thực hiện mở rộng xét nghiệm, 2 trường hợp giám sát sau cách ly tập trung, 2 trường hợp nhập cảnh và 10 trường hợp đang điều tra.
“Những ca nhiễm này phần lớn ghi nhận trong khu cách ly, phong tỏa nên có thể nói chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình” – Ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ thêm.
Nhận định về công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM thời gian qua, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, TP.HCM đã đạt kết quả nhất định nhưng tình hình còn diễn biến phức tạp. Các giải pháp trong chỉ thị 10 của UBND TP.HCM so với chỉ thị 16 của Thủ tướng tương tự, chỉ có điều chợ chưa cấm, chúng ta cũng không thể cấm lưu thông hàng hóa.
Quyết liệt hơn nữa trong 5 ngày tới
Phát biểu trong cuộc họp, Ông Ngô Minh Châu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, sự gia tăng của các trường hợp nghi mắc trong khu cách ly đòi hỏi cần sự đánh giá rà soát nếu có xảy ra lây nhiễm chéo trong những khu vực này thì cần có biện pháp dập tắt nhanh chóng; đối với các trường hợp được ghi nhận cần có những biện pháp quyết liệt đối với các chợ tự phát, đối với chợ truyền thống cần áp dụng nghiêm chỉ thị 10 nếu không đáp ứng các tiêu chí theo quy định thì tạm dừng hoạt động đồng thời cần tính đến phương án bán xen kẽ giữa các tiểu thương.
Đối với việc triển khai công tác phòng chống dịch tại TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiến nghị, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM nên có những biện pháp quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch đối với hoạt động của chợ đầu mối cũng như các khu chợ truyền thống, đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ công tác xét nghiệm, tốc độ phản ứng khi phát hiện trường hợp ca F0 cũng như cần có những biện pháp hỗ trợ các khu vực cách ly tập trung tại TP.
Tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải đánh giá lại việc triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu, đề ra những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong 5 ngày tới.
Đối với các quận huyện, phường xã Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị của UBND TP. Những trường hợp thực hiện không nghiêm, bên cạnh tuyên truyền thì phải xử lý.
Đối với hoạt động của các tổ COVID cộng đồng, Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò, hoạt động của các tổ này đặc biệt là công tác đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; mỗi 300 hộ dân phải có một tổ COVID-19 cộng đồng, địa phương cần có những chính sách, chế độ phù hợp cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu giải tán đối với các khu tập trung đông người như công viên, trước cổng bệnh viện, bến xe… Riêng chợ truyền thống, nên tính toán, nghiên cứu mô hình bán luân phiên giữa các tiểu thương.
Đối với hoạt động của Chợ đầu mối, các chợ phải có phương án hoạt động cụ thể, giao Giám đốc Sở Công thương TP.HCM làm việc với UBND quận 8, Hóc Môn, TP Thủ Đức yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết về bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động nếu vi phạm sẽ xử phạt và phải dừng hoạt động.