Tại buổi gặp gỡ với báo chí chiều 24/2, PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, mức sinh thấp sẽ dẫn tới hậu quả già hóa dân số. Sự già hóa dân số không chỉ là kết quả của thành tựu y khoa trong việc gia tăng tuổi thọ trung bình mà còn là hậu quả của giảm mạnh tỷ lệ sinh trong những năm qua.
Cách đây 3 năm, Việt Nam ở trong giai đoạn dân số vàng thì hiện nay đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Việc già hóa dân số sẽ kéo theo đội ngũ lao động bị già hóa, năng suất lao động giảm, đặc biệt những ngành cần đào tạo lao động chuyên nghiệp. Thứ hai, dân số già sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, độ tuổi nhập quân cao lên. Đồng thời phải tăng thêm chi phí khám chữa bệnh cho dân số già, kéo theo những ảnh hưởng về kinh tế - xã hội.
"Nếu chúng ta không có những can thiệp tích cực thì một ngày không xa chúng ta phải trả giá cho việc già hóa dân số", PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho hay.
Cũng theo bác sĩ Tuyết, độ tuổi phụ nữ sinh đẻ tốt nhất là từ 18-35 tuổi. Hiện nay tại TP.HCM, nhiều người phụ nữ có trình độ học vấn tốt, tham gia nhiều hoạt động xã hội nên "quên" đi thiên chức làm mẹ. Bên cạnh đó, nhiều người quan niệm để tập trung điều kiện kinh tế lo cho con nên chỉ sinh 1 con.
Trước thực tế này, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM cho hay, TP.HCM rất trăn trở trước thực trạng già hóa dân số. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM đã quan tâm đến các gia đình trẻ, tìm cách làm sao cho phụ nữ nâng cao thu nhập, có điều kiện chăm sóc con tốt, đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, được nuôi dưỡng đầy đủ. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM đã tổ chức các chương trình hỗ trợ việc làm để chị em có nhiều điều kiện chăm lo gia đình.
Thực tế cho thấy, việc sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng nên đảm bảo sinh đủ 2 con không chỉ để duy trì nòi giống mà còn góp phần bảo tồn dân số xã hội, cải thiện tỷ lệ sinh, nâng cao mức sống cho thành phố.