100 y bác sĩ được tiêm vắc xin trong ngày đầu tiên
Sáng 8/3/2021, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Giám sát tại buổi tiêm chủng có PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại TP.HCM; Đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và các lãnh đạo ngành y tế TP.HCM.
7giờ 30 phút, những liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đầu tiên từ VNVC đã được BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận, nhập kho lạnh bảo quản theo đúng quy định. Kho lạnh này đạt chuẩn GSP, có hệ thống theo dõi nhiệt độ bảo quản liên tục 24/24, được hệ thống máy chủ ghi nhận liên tục và báo động ngay khi nhiệt độ vượt ra khỏi giới hạn cho phép để nhân viên trực xử lý lập tức.
Những liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đầu tiên từ VNVC đã được BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận. Ảnh: Khôi Nguyễn
Hơn 8giờ 30 phút, tại khu vực dành riêng để tiêm chủng cho nhân viên y tế đã được bệnh viện chuẩn bị, các bác sĩ, nhân viên y tế được khám sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sử dụng phần mềm và hồ sơ sức khoẻ điện tử của mỗi người dân do Bộ Y tế xây dựng để quản lý từng cá nhân. Bộ Y tế có thể quản lý xuyên suốt và đồng bộ trong suốt quá trình tiêm chủng.
Ghi nhận tại khu vực tiêm chủng, được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu để xử trí những sự cố tức thì ngoài ý muốn sau tiêm chủng. Khâu tiêm vắc xin được thực hiện bởi các nhân viên chuyên thực hành tiêm chủng vắc xin. Sau tiêm, người được tiêm vắc xin được ngồi nghỉ ngơi và theo dõi sức khoẻ khoẻ trong vòng 30 phút trước khi ra về. Nhân viên tiêm chủng cũng hướng dẫn chi tiết về các biểu hiện bất thường cần quay lại hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác liên quan đến vắc xin. Ảnh: Khôi Nguyễn
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết: “Quán triệt chỉ đạo của Bộ Y tế, các loại vắc xin COVID-19 hiện nay, chúng ta không thể khẳng định vắc xin an toàn 100%. Những phản ứng bất lợi sau tiêm vẫn có thể xảy ra, do đó chúng tôi đã chuẩn bị quá trình triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế một cách rất thận trọng”.
Dự kiến có tất cả khoảng 900 nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vắc xin trong đợt này, trong ngày hôm nay (8/3) bệnh viện sẽ triển khai tiêm vắc xin cho 100 bác sĩ, nhân viên y tế là những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 (bác sĩ, điều dưỡng tại các khoa Nhiễm D, Hồi sức cấp cứu Người lớ, Cấp cứu). Sau đó tuỳ theo nguồn cung ứng, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho những nhân viên y tế tiếp theo, dự kiến sẽ hoàn tất trong tuần.
Những nhân viên y tế đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19. Ảnh: Duyên Phan
Với vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này, mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp.
Nỗ lực để có nguồn vắc xin dồi dào và bền vững
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua đã được kiểm soát tốt, được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và các hãng thông tấn báo chí có uy tín trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao, trở thành một “hình mẫu” về cách thức kiểm soát dịch bệnh, đạt hiệu quả cao với mức chi phí tối thiểu, là một “tấm gương” trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Để có được kết quả như vậy là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, hợp tác của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã chủ động triển khai tích cực các biện pháp chống dịch hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi tiêm chủng vắc xin cho nhân viên y tế BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Khôi Nguyễn
Để tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trong đó tiêm vắc xin phòng COVID-19 là vô cùng cần thiết, một trong những ưu tiên hàng đầu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế từ rất sớm đã chủ động, tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để được cung cấp vắc xin COVID-19 và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á nhận được vắc xin này.
Vắc xin COVID-19 là vắc xin được phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng nhanh nhất, theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tối đa nhất cho người dân. Đây là chiến dịch tiêm vắc xin có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Vì thế, Bộ Y tế trong thời gian qua đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức điểm tiêm chủng, buổi tiêm và chiến dịch tiêm chủng bảo đảm an toàn cao nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong nước đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19 để sớm tự chủ về nguồn vắc xin COVID-19 đồng thời tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để tiếp tục có vắc xin về Việt Nam dồi dào hơn để người dân sớm được tiếp cận với vắc xin COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đang nỗ lực nhiều biện pháp để có nguồn vắc xin dồi dào và bền vững, nhiều người dân được tiếp cận với vắc xin. Ảnh: Khôi Nguyễn
Được biết, bên cạnh TP.HCM, từ ngày 8/3/2021, Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vắc xin đầu tiên tại 12 tỉnh/thành phố khác đang là điểm nóng về phòng chống dịch, gồm: Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vắc xin mới, ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra. Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC.
Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây, các biện pháp theo quy tắc “5K”.
Công tác khám sàng lọc, kiểm tra trước tiêm chủng. Ảnh: Khôi Nguyễn
Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin COVID-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.