TP.HCM: Nguy cơ "dịch chồng dịch" từ bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

11-05-2022 22:32 | Y tế

SKĐS - TP.HCM đang bước vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm khiến trẻ dễ đổ bệnh, các ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng.

Gia tăng ca mắc tay chân miệng nặng

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vào ngày 11/5, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm nổi các nốt nước đỏ ở miệng, tay, chân. Đây là biểu hiện của bệnh tay chân miệng.

Chị Nguyễn Minh Anh (trú quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay, 4 ngày trước, chị thấy con trai 4 tuổi có triệu chứng lười ăn, nổi nốt ở vùng miệng. Do nghĩ con bị nhiệt miệng như mọi lần, cho uống nước mát tự khỏi nên chị không đưa con đi khám ngay. "Đến khi con bắt đầu xuất hiện nốt ban đỏ trong lòng bàn tay và chân, sốt nhẹ, tôi cho con nhập viện, bác sĩ kết luận con bị tay chân miệng. Rất may là nhờ phát hiện và điều trị kịp thời nên hiện bệnh của cháu đã có dấu hiệu thuyên giảm nhưng bác sĩ nói vẫn cần phải ở lại để tiếp tục theo dõi và điều trị", chị Minh Anh nói.

Con trai chị Minh Anh chỉ là một trong  nhiều bệnh nhi phải nhập viện do mắc tay chân miêng. Tính đến hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 có gần 500 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, 40 trẻ phải nhập viện điều tri.

TP.HCM: Nguy cơ "dịch chồng dịch" từ bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng - Ảnh 1.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nổi bóng nước ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ảnh: H.Y

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 95% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Riêng chỉ trong tuần 18 (từ ngày 29/4 đến 5/5/2022), thành phố ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận huyện, thành phố Thủ Đức, đặc biệt ở các quận: Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn, khu vực 3 thành phố Thủ Đức.

Trước đó, đợt dịch tay chân miệng gần nhất tại TP.HCM xảy ra vào năm 2020 với 16.361 ca mắc, không ghi nhận ca tử vong, chủ yếu vẫn là xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học. Khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường sau 2 năm gián đoạn do COVID-19, các chuyên gia dự đoán các dịch bệnh lưu hành thường niên tại TP.HCM như sốt xuất huyết, tay chân miệng... sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay. Do đó, phòng ngừa dịch bệnh ngay từ sớm là điều rất quan trọng, không để dịch bùng phát và nhất là không để gây tử vong.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm điều trị nội trú cho 30 đến 35 trường hợp bị tay chân miệng. Trong đó, phòng hồi sức Nhiễm hiện đang điều trị cho một bệnh nhi bị tay chân miệng ở mức độ 2B chuyển sang mức độ 3 - mức độ nặng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong tuần qua, số ca bệnh chân tay miệng nhập viện tăng cùng với việc gia tăng các ca nặng. Tỷ lệ bệnh nặng mức độ 2 B trở lên chiếm 5-6%. 

Khi trẻ bị tay chân miệng nhập viện trễ thì có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm não tối cấp, viêm cơ tim tối cấp, có nghĩa là diễn tiến cực kỳ nhanh và có thể tử vong trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Những trường hợp đó đều rất khó qua khỏi. 

Hiện khoa đã bố trí đầy đủ giường, 50 - 60 giường (tính cả giường xếp) cho bệnh nhi mắc tay chân miệng, sẵn sàng điều trị nếu gia tăng số ca nhập viện. 

Những bệnh nhi tay chân miệng được tách riêng với các trường hợp mắc sốt xuất huyết, COVID-19, viêm não Nhật Bản.

Theo bác sĩ Dư Tấn Quy, nhiều trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ như độ 1 không sốt, chỉ nổi bóng nước ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, trẻ vẫn vui chơi và ăn uống bình thường thì có thể điều trị tại nhà.

"Tuy nhiên, do phụ huynh rất lo lắng nên chúng tôi có thể cho các cháu nhập viện để theo dõi, tuy nhiên nếu từ khoảng 24-48 tiếng mà bác sĩ đánh giá lại thực sự ca này không cần nhập viện thì sẽ cho trẻ xuất viện và theo dõi tại nhà. Bệnh tay chân miệng kéo dài từ 7 đến 8 ngày, Bộ Y tế đã cho phép trẻ có thể đi học từ 8-10 ngày sau khi khỏi bệnh", bác sĩ Quy nói .

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát

Bên cạnh việc gia tăng bệnh tay chân miệng, thời gian gần đây, Sở Y tế TP.HCM cũng như các bệnh viện trên địa bàn thành phố liên tục đưa ra cảnh báo bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng thành dịch khi số ca bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2021. Số ca mắc sốt xuất huyết nặng tại TP.HCM đã tăng 345% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố có 4.491 trường hợp sốt xuất huyết, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, qua hệ thống báo cáo ghi nhận có 109 trường hợp sốt xuất huyết nặng, tăng 354% so với cùng kỳ năm 2021 (24 ca). Đây là con số đáng báo động nếu so sánh với năm 2019 - năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc nhưng số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn con số thống kê.

Các quận, huyện có số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong tháng 4 bao gồm: Quận 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

TP.HCM: Nguy cơ "dịch chồng dịch" từ bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng - Ảnh 2.

Bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết năng. Ảnh: H.Y

Ghi nhận tại Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, rất đông trẻ lớn và nhỏ mắc bệnh sốt xuất huyết từ nặng đến nhẹ đang nằm điều trị. Theo thống kê, số trẻ nhập viện điều trị và khám ngoại trú sốt xuất huyết tại khoa đều tăng gấp đôi so với 2 tuần trước, trung bình có từ 30-35 ca bệnh nội trú, trong đó có 5-7 trẻ phải nằm ở phòng cấp cứu và truyền dịch. Đáng lưu ý là số trẻ mắc sốt xuất huyết nặng chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với các năm trước do nhập viện trễ.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tăng từ 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong hai tuần đầu tháng 4, số ca nhập viện cũng tăng cao, nhất là các trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng (sốc sốt xuất huyết Dengue). Chỉ trong nửa tháng 4/2022, khoa Hồi sức tích cực chống độc đã tiếp nhận 10 ca nặng và sốc nặng, tổn thương các cơ quan, thậm chí có ca ngưng thở, ngưng tim trước khi nhập viện.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cứu sống nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng. Tuy nhiên đã có 3 trẻ tử vong do phát hiện muộn rồi nhập viện trễ, trong đó có 2 ca ở tỉnh chuyển đến, 1 ca ở TP.HCM.

Còn Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi ngày khám ngoại trú cho từ 100-150 ca sốt xuất huyết, trong đó có từ 10-15 bệnh nhi được chỉ định nhập viện. Số bệnh nhân nặng từ 15-20 em, trong đó phần lớn là trẻ dư cân béo phí nặng, trẻ nhũ nhi.

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay, hiện có 3 loại bệnh cùng lưu hành và dễ nhầm lẫn với nhau là sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19. Trong đó, có trường hợp xảy ra đồng nhiễm ở trẻ, vừa mắc tay chân miệng vừa mắc COVID-19, vừa mắc sốt xuất huyết vừa COVID-19, vừa tay chân miệng vừa sốt xuất huyết.

Bác sĩ Tiến cho hay, riêng với bệnh sốt xuất huyết, bệnh viện luôn lưu ý các bác sĩ dặn dò kỹ phụ huynh, cần đưa bệnh nhi đến khám kịp thời, không để tình trạng nặng dẫn đến sốc sâu, khó cứu chữa: "Vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh là ngày cao điểm dễ vào sốc, thì mình phải dặn bệnh nhân là những dấu hiệu cảnh báo nặng như bé bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen thì phải nhanh chóng vào bệnh viện. Đặc biệt kể cả trong đêm giữa khuya cháu trở nặng cũng phải đi tới bệnh viện ngay".

Lo ngại sốt xuất huyết, viêm não, tay chân miệng... có thể bùng phát dịch, Bộ Y tế yêu cầu quyết liệt phòng, chốngLo ngại sốt xuất huyết, viêm não, tay chân miệng... có thể bùng phát dịch, Bộ Y tế yêu cầu quyết liệt phòng, chống

SKĐS - Theo Bộ Y tế thời tiết của mùa hè và sự giao lưu đi lại lớn, thêm ý thức vệ sinh phòng bệnh chưa cao là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy, viêm não... có thể bùng phát thành dịch lớn


Kim Vân
Ý kiến của bạn