Phát biểu trước lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện và hàng trăm nhân viên y tế đến từ các trạm y tế phường, xã tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng hoạt động của tuyến y tế cơ sở hiện chưa thu hút người dân bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng chuyên môn của cán bộ y tế chưa được đào tạo bài bản. Hiện chỉ có khoảng 18% bệnh nhân chọn tuyến y tế cơ sở, nguyên nhân do chưa tin vào trình độ bác sĩ, nhiều trạm y tế có nhà cửa bàn ghế còn bề bộn không đúng chuẩn, ứng xử của nhân viên y tế chưa đúng mực.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các khẩu hiệu không mang lại sự thay đổi chất lượng cho y tế cơ sở. Sắp tới, phải đổi mới hoạt động chứ không phải là những khẩu hiệu. Những việc cần phải làm ngay là xây dựng nhân lực có chuyên môn; xây dựng cơ chế tài chính; phát triển công nghệ thông tin…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại khai mạc khoá đào tạo
Theo Bộ trưởng, cần ưu tiên công tác y tế dự phòng, các cơ sở cần có phòng truyền thông, nâng cao sức khỏe gắn với công tác dự phòng. Cần đặc biệt quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (vận động bỏ thuốc lá, hướng dẫn dinh dưỡng đúng cách), cần phát hiện và sàng lọc bệnh sớm…
Bộ trưởng cũng chỉ đạo phải làm ráo riết để các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện phải chuyển bệnh về tuyến cơ sở; tăng số lượng bệnh đưa về y tế xã phường; bảo hiểm xã hội sẽ chuyển bớt bệnh nhân từ tuyến trên về tuyến cơ sở để khám chữa bệnh. Tuyến trên chỉ làm những kỹ thuật cao chứ không phải suốt ngày khám viêm phế quản, mổ ruột thừa, tiêu chảy cấp…
Trong thời gian tới, những bệnh lý mạn tính buộc người bệnh điều trị lâu dài gồm bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phải chuyển về tuyến dưới. Muốn làm vậy, ngoài chuyên môn của nhân viên y tế, thì trang thiết bị phải đươc trang bị đúng, phù hợp, thiết bị mua sắm phải có người biết vận hành. Nhà cửa, nội thất, tủ thuốc, phòng xét nghiệm, phòng khám bệnh, phòng tiêm chủng, tất cả phải đạt chuẩn.
Bộ trưởng Y tế chụp ảnh cùng các bác sĩ TP Hồ Chí Minh
Cùng phát biểu tại buổi khai mạc khóa đào tạo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhận định, đây là lần đầu tiên các cán bộ y tế tuyến cơ sở được các bác sĩ đầu ngành giảng dạy và hướng dẫn nâng cao chất lượng khám chữa những bệnh lý mạn tính.
Trong khóa học kéo dài một tuần, các bác sĩ đầu ngành sẽ hướng dẫn nhân viên trạm y tế cách bố trí không gian và các phòng chức năng trạm; nội dung phòng chống ung thư phối hợp y tế cơ sở - y tế chuyên sâu; dinh dưỡng hợp lý; định nghĩa – nguyên tắc trong chăm sóc giảm nhẹ; chẩn đoán và xử trí cấp cứu cơn hen và đợt cấp COPD; chẩn đoán xác định yếu tố nguy cơ, sàng lọc bệnh tại tuyến ban đầu; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; nguyên tắc khám bệnh ở người cao tuổi…
“Việc đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho trạm y tế phường xã với sự hỗ trợ tuyến trên là đòn bẩy giúp các tuyến y tế cơ sở tăng cường chuyên môn, thu hút, tăng niềm tin của bệnh nhân”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Đại diện ngành y tế TP.HCM, GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, khóa đào tạo là cơ hội quý để các bác sĩ đang công tác tại trạm y tế được cập nhật, mở rộng kiến thức, kỹ năng về chẩn đoán và điều trị các bệnh mạn tính vốn đang trở thành gánh nặng đối với xã hội.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, TP.HCM đã và đang tích cực triển khai kế hoạch nâng cao năng lực trạm y tế và triển khai thí điểm một mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với những nội dung trọng tâm như hoàn thiện hoạt động dự phòng và kiểm soát dịch bệnh; chuẩn hóa chất lượng hoạt động của trạm y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường hiệu quả các chương trình quản lý sức khỏe người dân; đảm bảo nguồn nhân lực công tác tại trạm y tế và đầu tư có trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
“Một trong những giải pháp quan trọng nhất để đạt được mục tiêu đề ra là phải nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của bác sĩ và nhân viên y tế công tác tại các trạm nhằm bắt kịp sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân”, GS Bỉnh nói.