TP.HCM năm 2017: Tỷ lệ mắc và tỷ vong nhiều bệnh truyền nhiễm giảm

06-01-2018 08:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các bệnh lây qua đường hô hấp như thủy đậu, quai bị tăng so với năm 2016; bệnh cúm thấp hơn, nhưng trên địa bàn TP.HCM lại ghi nhận 1 chùm ca bệnh cúm B gồm 3 ca trong 1 gia đình ở Gò Vấp với 1 trường hợp tử vong.

Toàn thành phố không ghi nhận ca xác định sởi, bạch hầu, bại liệt. Số ca ho gà là 14, gấp 2 năm 2016; 5 ca viêm não Nhật Bản; 1 ca Rubella – giảm 3 ca so với 2016. Bệnh tay chân miệng giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2016, với 4.960 ca, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Kiểm tra phòng bệnh dịch hàng năm tại TP.HCM (Ảnh tư liệu)

Kiểm tra phòng bệnh dịch hàng năm tại TP.HCM (Ảnh tư liệu)

Ngày 29/12, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống dịch năm 2017. Theo đó, trong năm 2017, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn tiến phức tạp. Nhiều dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, đã ngăn chặn không để dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch đặc biệt nghiêm trọng như sốt xuất huyết do virus Ebola, MERS-CoV, dịch hạch, cúm A (H7N9) xâm nhập vào. Đồng thời, các dịch bệnh vốn vẫn lưu hành trong nước như cúm A (H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt rét… được kiểm soát chặt chẽ, giảm số ca mắc và tử vong so với năm 2016 và trung bình giai đoạn 2011 – 2015.

Theo ThS. BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, riêng sốt xuất huyết (SXH), mặc dù đỉnh dịch xuất hiện vào tuần thứ 33, sớm hơn năm 2016 15 tuần, nhưng năm 2017, thành phố có hơn 19.580 trường hợp nhập viện, giảm 11,4% so với năm 2016. Số ca tử vong là 6 ca bằng với năm 2016.

Ngoài ra, tại hội nghị các chuyên gia y tế dự phòng TP.HCM cho biết, trong “Kế hoạch giám sát trọng điểm lồng ghép bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh do virus Zika và Chikungunya giai đoạn 2017 – 2020” sẽ lấy mẫu xét nghiệm đối với ca nghi ngờ SXH/Zika tại 5 bệnh viện (BV Bệnh Nhiệt đới, Hùng Vương, Nhân dân Gia Định, BV Quận 2 và Quận 12), đã thực hiện trước tại BV Bệnh Nhiệt đới và Hùng Vương từ 6/11/2017 đến 15/12/2017 ghi nhận 20/58 mẫu xét nghiệm dương tính với virus Dengue với tỷ lệ là 34%.

Kết quả giám sát cho thấy, bệnh do virus Dengue thực sự là bệnh truyền nhiễm rất phổ biến tại thành phố. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, virus Dengue không chỉ gây biểu hiện lâm sàng SXH mà có khi chỉ là những biểu hiện nhiễm siêu vi thông thường hoặc sốt phát ban.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại khoa Sốt Xuất huyết (BV Nhi Đồng 1) - Ảnh tư liệu

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại khoa Sốt Xuất huyết (BV Nhi Đồng 1) - Ảnh tư liệu

Các bệnh lây truyền qua động vật

Năm 2017, thành phố ghi nhận 12 ca mắc liên cầu lợn, giảm 3 ca so với 2016 (15 ca), không có ca tử vong. Qua điều tra, y tế dự phòng ghi nhận các ca bệnh xuất hiện lẻ tẻ, xảy ra rải rác tại 8/24 quận huyện (Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, mỗi quận huyện có 1 ca; Quận 8, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, mỗi quận huyện 2 ca).

Năm 2017, thành phố có 1 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Đó là một phụ nữ 53 tuổi, bị chó hàng xóm cắn trước khi khởi bệnh 1 tháng nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại (con chó tử vong sau đó 3 ngày).

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã triển khai phần mềm GIS đến 100% quận huyện để báo cáo và ghi nhận tình hình dịch bệnh. Hiện thành phố đã hoàn thành bản đồ ranh tổ và khu phố/ấp trên GIS và 100% trạm y tế đã ứng dụng phần mềm này vào việc quản lý ca bệnh, không vùng và xử lý ổ dịch. Đặc biệt các ổ dịch liên phường, liên quận đã có thể được phát hiện nhanh chóng và xử lý triệt để như ổ dịch liên quận Bình Tân – Bình Chánh, Tân Bình – Tân Phú, Quận 12 – Hóc Môn.


An Quý
Ý kiến của bạn