Hà Nội

TP.HCM: Lo ngại bệnh tay chân miệng bùng phát trong thời gian tới

28-09-2022 17:55 | Y tế
google news

SKĐS - Với tình hình ca mắc tay chân miệng như hiện nay, chuyên gia lo ngại dịch tay chân miệng có thể bùng phát vào tháng 10, 11 sắp tới.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ đầu năm tới nay, Thành phố ghi nhận 14.738 ca mắc tay chân miệng. Riêng tuần 39 (từ ngày 19/9/2022 – 25/9/2022), Thành phố ghi nhận thêm 488 ca mắc mới, tăng 16,7% so với trung bình 4 tuần trước.

Nguy cơ bùng phát dịch vào tháng 10,11 sắp tới

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho thấy, từ ngày 15/9-28/9 bệnh viện đã tiếp nhận 688 trường hợp ngoại trú điều trị bệnh tay chân miệng và có 39 ca điều trị nội trú.

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian dài bị gián đoạn do dịch COVID-19 khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn trong đó có bệnh tay chân miệng.

TP.HCM: Nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng trong thời gian tới - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui thăm khám cho một bệnh nhân bị nhiễm tay chân miệng. (P.T)

Ths.BS Nguyễn Đình Qui - Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết: "Với tình hình như hiện nay, chúng tôi rất lo lắng vì học sinh đã quay lại trường học. Nếu như các trường thực hiện vệ sinh tốt, phát hiện trẻ bị bệnh, kiểm soát và cách ly kịp thời thì khả năng bệnh tay chân miệng sẽ không bùng phát thành dịch. Nhưng chỉ cần lơ là và chủ quan trước bệnh tay chân miệng thì khả năng dịch sẽ bùng lên vào tháng 10 hoặc 11 là rất cao".

Sai lầm thường gặp của phụ huynh khiến trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Cũng theo BS Qui,một vài hành động tưởng chừng như rất bình thường của phụ huynh nhưng lại vô tình khiến cho trẻ mắc phải bệnh tay chân miệng mà phụ huynh không hề hay biết.

Đầu tiên là yếu tố về dịch tễ, nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn khi không biết con mình bị nhiễm bệnh từ đâu, khi nào vì con em họ không đi ra ngoài chơi và cũng không tiếp xúc với trẻ bị tay chân miệng. Nhưng phụ huynh lại quên rằng, chính mình là người tiếp xúc với trẻ bị tay chân miệng và sau đó đã vô tình trở thành nguồn lây bệnh trung gian, gián tiếp lây bệnh tay chân miệng cho trẻ.

TP.HCM: Nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng trong thời gian tới - Ảnh 2.

Bệnh tay chân miệng có thể để lại nhiều di chứng nặng nề cho trẻ, vậy nên phụ huynh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước dịch bệnh. (Ảnh: P.T)

Thứ hai là việc phụ huynh quên cách ly trẻ bị nhiễm tay chân miệng. Thực tế cho thấy, rất nhiều phụ huynh vẫn dẫn con tới các công viên chơi, tiếp xúc với bạn bè, đồ chơi như cầu trượt, xích đu... khi trẻ nhiễm bệnh. Chính hành động này khiến cho các trẻ lành khác không may tiếp xúc trực tiếp vào các đồ chơi có dính virus gây bệnh tay chân miệng và bị nhiễm bệnh.

Đây cũng là sai lầm thường gặp và là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc tay chân miệng tăng nhiều hơn.

Bác sĩ Qui cũng khuyến cáo, phụ huynh, giáo viên và nhà trường cần đặc biệt cẩn thận khi trẻ tựu trường mùa dịch. Cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phòng dịch. Cho tới nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vaccine để phòng bệnh, vậy nên biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng vẫn là rửa tay sạch sẽ, vệ sinh nơi ở và đồ chơi của trẻ thường xuyên.

Dù đã quen với việc đeo khẩu trang và rửa tay, khử khuẩn từ đại dịch COVID-19, nhưng hiện nay, người dân lại quên rằng cần rửa tay thật kỹ. Việc rửa tay kỹ không những giúp chúng ta phòng ngừa được bệnh tay chân miệng mà còn ngăn ngừa được rất nhiều bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng chia sẻ thêm, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường ở trẻ như nổi hồng ban ở tay, chân, sốt, biếng ăn, loét miệng.... thì cần nghĩ ngay tới tay chân miệng vì đây là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em và rất nguy hiểm đối với trẻ. Cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được hỗ trợ và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị bệnh khi không có hướng dẫn của bác sĩ.

Người dân không được chủ quan trước dịch bệnh vì trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần trong đời. Ngoài ra, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nặng nề như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí có thể tử vong khi mắc bệnh tay chân miệng.

TP.HCM: Tay chân miệng tăng trở lại, sốt xuất huyết có xu hướng giảmTP.HCM: Tay chân miệng tăng trở lại, sốt xuất huyết có xu hướng giảm

SKĐS - Số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, số ca mắc tay chân miệng lại tăng 28% so với trung bình 4 tuần trước.


P.Thương
Ý kiến của bạn