Mới đây, một bệnh nhi 5 tuổi ở Quận 8 nhập được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài. Trẻ có biểu hiện ói, tiêu chảy, bụng chướng. Các chẩn đoán hình ảnh từ siêu âm, X-quang cho thấy trẻ bị tắc ruột do búi tóc. Bệnh nhi nhanh chóng được phẫu thuật lấy búi tóc gây tắc nghẽn đường ruột kịp thời. Sau mổ, trẻ tỉnh nhưng còn rối loạn tâm lý và mái tóc vẫn còn thưa do thói quen nhổ rồi nuốt tóc trước đó. Đây là ca thứ 20 chỉ trong vài năm gần đây tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Lý giải cho hành động bứt tóc ăn của nhiều trẻ gần đây, BS.CKII Nguyễn Thị Kiều Tiên – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho rằng: "Đây có thể là hệ quả của rối loạn xung động nhổ tóc - một dạng rối loạn hành vi xung động trong tâm thần học có thể gặp ở trẻ em lẫn người lớn".
Hiện tượng này thường được khởi đầu bằng hành vi tự động sờ, day, bứt từng sợi tóc trong khi đang suy nghĩ, làm việc, học tập… Người bệnh ban đầu sẽ cảm thấy đau nhưng dần dần sẽ có cảm giác "đã ngứa" dù không có yếu tố gây ngứa như nấm gàu. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần và hình thành hành vi tự bứt tóc khi cảm thấy cần suy nghĩ, khi căng thẳng, khi cần giải quyết vấn đề hay khi thấy buồn hoặc thậm chí khi thấy… rảnh.
Ở trẻ em, sau khi tự bứt tóc sẽ có khuynh hướng nếm thử hoặc để xoá dấu tích tóc rụng tránh bị la phạt nên phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, quan sát trẻ.
Theo bác sĩ Kiều Tiên, chứng rối loạn này diễn ra theo thời gian và theo giai đoạn nên phụ huynh cần theo dõi để phát hiện sớm những bất thường ở trẻ như:
Trẻ hay vừa ngồi học vừa sờ đầu hoặc vừa ngồi chơi game vừa sờ chân tóc; xung quanh nơi trẻ nằm hoặc ngồi sẽ có nhiều tóc rụng; khi đưa trẻ khám chuyên khoa da liễu không phát hiện bất thường gây rụng tóc nhưng có những mảng trống đáng ngờ trên da đầu và trẻ thường than đầy bụng dù không ăn gì nhiều...
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên giải thích thêm, những trẻ đã có hành vi ăn tóc kéo dài, lâu dần khiến tóc bị rối và mắc kẹt trong hệ thống tiêu hóa vì con người không có men tiêu hoá chất keratin có trong các sợi tóc. Từ đó dẫn đến tình trạng tắc ruột và phải phẫu thuật để lấy "búi tóc khổng lồ" này ra khỏi cơ thể. Tất cả các bệnh nhi sau khi mắc phải hội chứng này đều cần phải theo dõi và điều trị tâm lý lâu dài sau đó.
"Nếu không được tìm hiểu nguyên nhân và trị liệu đúng chuyên khoa thì ngay cả sau khi đã phẫu thuật, việc tái diễn hành vi này vẫn còn tồn tại khả năng rất cao. Từ đó, dẫn đến nhiều búi tóc trong bụng, cùng nhiều mảng trọc trên đầu thêm nhiều lần nữa. Vì vậy, sau khi được phẫu thuật lấy búi tóc, trẻ cần được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, huấn luyện hành vi để kiểm soát xung động trên", BS.CKII Nguyễn Thị Kiều Tiên cảnh báo.
Cho tới nay, nguyên nhân gây nên hội chứng này hiện vẫn chưa được xác định cụ thể, có thể là do khiếm khuyết về trí tuệ, rối loạn tâm thần, chấn động tâm lý từ thơ ấu, gặp căng thẳng quá mức… không được can thiệp kịp thời. Không ngoại trừ khả năng trẻ thiếu sắt hay mắc Celiac - một bệnh lý đường ruột do nhạy cảm với gluten.
Hàng năm các bệnh viện nhi đồng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi gặp phải hội chứng này. Đáng cảnh báo rằng số ca mắc đang có dấu hiệu gia tăng thời gian gần đây. Phụ huynh cần theo dõi con em cẩn thận. Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, cảnh báo của hội chứng ở trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ tới khám ở chuyên khoa Tâm lý – Tâm thần để được điều trị kịp thời, đúng và tận gốc, tránh phải giải quyết hậu quả ở phẫu thuật ngoại khoa.