Theo đó, Sở Y tế TP.HCM chuẩn bị 3 tình huống để xây dựng kịch bản ứng phó với dịch sốt xuất huyết. Cụ thể, nếu số ca nhập viện là 300 người/ngày, 2.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú và số ca bệnh nặng dưới 200 thì sẽ chuẩn bị 2.045 giường điều trị và 250 giường hồi sức tích cực.
Nếu có từ 300-600 ca bệnh nhập viện mới mỗi ngày, 2.000-4.000 người đang điều trị nội trú và 200-400 ca bệnh nặng sẽ tăng cường số giường trong giai đoạn này lên 4.000 giường điều trị và 410 giường hồi sức tích cực (trong đó có 120 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi).
Còn với tình huống có 600-900 ca bệnh nhập viện mới mỗi ngày, 4.000-6.000 ca điều trị nội trú và 400-600 ca bệnh nặng, sẽ chuẩn bị 6.000 giường điều trị và 605 giường hồi sức tích cực (trong đó có 210 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi).
Trong các tình huống này, ưu tiên điều trị bệnh nhân người lớn nặng tại các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trưng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược và các bệnh viện đa khoa khác…. Với trẻ em thì tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng trang thiết bị y tế, vật tư, dịch truyền, chế phẩm máu để đáp ứng nhu cầu điều trị trong tình huống nhất định.
Theo báo cáo của một số bệnh viện tuyến cuối, ước tính trung bình 1 ca sốt xuất huyết nặng sẽ sử dụng 6 lít dịch truyền và 2 đơn vị máu, chế phẩm của máu.
Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng nhân lực chuyên môn, đặc biệt nhân lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm. Tất cả các bác sĩ, điều dưỡng cần được tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết Dengue và bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng cần được tập huấn hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn có 142 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa truyền nhiễm, 2.704 bác sĩ được tập huấn hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết, 2.651 điều dưỡng được tập huấn theo dõi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, 591 bác sĩ được tập huấn hồi sức cấp cứu, 2.150 điều dưỡng được tập huấn chăm sóc người bệnh nặng.
Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue theo phân tuyến, tuân thủ phác đồ điều trị. Các bệnh viện rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghi lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng lên. Thường xuyên duy trì hoạt động tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn với các bệnh viện tuyến cuối và yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Tính đến ngày 11/7/2022, TP.HCM có 26.138 ca mắc sốt xuất huyết đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 2.009 ca nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình giai đoạn 2016 - 2020 với 12 trường hợp tử vong.