TP.HCM: Lấp đầy 'khoảng trống' tiêm chủng mở rộng do COVID-19

06-10-2021 16:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc gián đoạn chương trình tiêm chủng mở rộng do dịch COVID-19 khiến trẻ nhỏ tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh dịch đã có vaccine ở trẻ em.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM đã bị gián đoạn trong thời gian qua khiến tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn tiến độ cần đạt; Tỷ lệ tiêm chủng thấp dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm đã có vaccine ở trẻ em.

Trước thực trạng đó, HCDC đã ban hành công văn số 4151/TTKSBT-PCBTN về việc củng cố lại hoạt động tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM trong giai đoạn kiểm soát dịch COVID-19.

Theo nội dung công văn HCDC đề nghị, các bệnh viện thực hiện tiêm chủng mở rộng, các trung tâm Y tế TP.Thủ Đức, quận, huyện khẩn trương củng cố hoạt động tiêm chủng mở rộng trong điều kiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" ngay trong tuần đầu của tháng 10/2021.

TP.HCM củng cố “khoảng hở” tiêm chủng mở rộng do COVID-19 - Ảnh 2.

Gián đoạn tiêm chủng có thể khiến nhiều bệnh nguy hiểm quay trở lại

Thành phố sẽ tăng cường truyền thông vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng. Các thông tin về lịch tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế như thời gian tiêm, tên loại vắc xin, địa điểm tiêm, độ tuổi tiêm chủng sẽ được Trung tâm y tế, Trạm y tế thông báo qua loa phát thanh, zalo, tin nhắn… để mời phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng.

Bên cạnh đó, để hoạt động tiêm chủng an toàn, người dân cũng sẽ được hướng dẫn đăng ký hẹn tiêm chủng theo khung giờ quy định để tránh tình trạng tập trung đông đúc và tuân thủ quy định 5K trong phòng chống COVID-19. Các trường hợp phụ huynh hoặc trẻ đang trong thời gian cách ly, bao gồm cách ly điều trị COVID-19 (F0) hoặc cách ly kiểm dịch hoặc có biểu hiện nghi ngờ COVID-19 thì không đến điểm tiêm chủng.

HCDC cảnh báo, nếu việc tiêm chủng không được đẩy nhanh trong thời gian sắp tới thì với tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ mắc bệnh nguy hiểm đã có vaccine như: sởi, quai bị, bại liệt, rubella, viêm gan B.

Phụ huynh cần xem lại lịch tiêm của trẻ, chủ động nắm bắt thông tin tổ chức tiêm chủng tại địa phương, khi có thông báo tiêm bù cho trẻ, sắp xếp cho trẻ đi tiêm ngay khi có thể. Các buổi tiêm chủng sẽ được tổ chức đảm bào an toàn tiêm chủng và an toàn trong phòng chống COVID-19.

Trước đó chia sẻ trong một tọa đàm trực tuyến liên quan đến việc gián đoạn các chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời điểm dịch COVID-19 có những diến biến bất thường, TS. BS Phạm Quang Thái – Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chia sẻ, tính đến tháng 9 năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng của một số tỉnh phía Nam chỉ đạt 40% trong đó TP.HCM và Bình Dương là hai địa phương chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mời xem thêm nội dung video đang được quan tâm:

Phát bảo hộ và khẩu trang trợ giúp bệnh nhân


Phúc Võ
Ý kiến của bạn