Trạm quan trắc và chống ngập được lắp đặt ngay dưới chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Sở dĩ trạm quan trắc được lắp đặt tại vị trí này bởi đây là rốn ngập của đường. Thiết bị bao gồm một máy cảm biến đo mức độ ngập, một camera để kiểm tra tình hình thực tế và một đèn báo hiệu.
Như vậy, thay vì đo thủ công như trước đây, với hệ thống thông minh này, việc cảnh báo dự báo ngập đã dễ dàng hơn so với trước. Quan trọng hơn, những thông tin này không chỉ đến với cơ quan chống ngập mà còn đến được với người dân thông qua ứng dụng cảnh báo ngập.
Chỉ cần tải ứng dụng canhbaongap, ngoài việc biết được tình trạng ngập ngay tại thời điểm đó, người dùng còn có thể xem được dự báo trong 30 - 60 phút tiếp theo. Từ đó có thể chọn lựa hướng giao thông thích hợp.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những tuyến đường ngập do mưa, bão nhiều nhất TP.HCM.
Theo đánh giá, hệ thống quan trắc và chống ngập có khá nhiều ưu điểm như: Độ chính xác rất cao, việc triển khai lắp đặt rất đơn giản, tuổi thọ cao, hạn chế việc mất trộm... Đồng thời đây cũng là phương án chống ngập được đánh giá là tiên tiến nhất hiện nay. Nếu hoạt động tốt, hệ thống này có thể lắp đặt tại các tuyến đường chống ngập khác từ 1 - 2 trạm.
Lắp đặt thí điểm trạm quan trắc và cảnh báo ngập trên cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).
Được biết, đây là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu phát triển hệ thống IoT (internet of things) tiên tiến và thông minh thực hiện quan trắc, giám sát và cảnh báo ngập hoàn toàn tự động. Hệ thống đo có độ chính xác cao (sai số thấp 0,5cm) và hoạt động ổn định. Hệ thống thống cũng tự động giám sát tình trạng hoạt động của các trạm quan trắc và tất cả thiết bị ngoại vi. Tự động cảnh báo và khắc phục lỗi thiết bị. Với giải pháp này, các thông tin về ngập sẽ được cung cấp kịp thời đến các đơn vị quản lý và người tham gia giao thông ở TP.HCM.
Ông Phạm Quốc Phương – giám đốc trung tâm GIS (Sở KH và CN) cho biết, sau thời gian thực hiện, nếu thấy hoạt động tốt sẽ cho ứng dụng vào các điểm ngập khác của thành phố.
Gần 8.000 tỉ đồng chống ngập năm 2019
Theo thống kê, đến cuối năm 2018, TP.HCM còn 18 tuyến đường ngập do mưa và 5 tuyến đường ngập do triều cường, so với 126 điểm ngập do mưa, 95 điểm ngập do triều trong năm 2008.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình giảm ngập nước năm 2019, TP.HCM ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam và một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị; góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường. Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM sẽ triển khai đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỉ đồng.
Trong đó, gồm 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 5.000 tỉ đồng; khởi công mới 47 dự án, tổng kinh phí gần 2.000 tỉ đồng; chuẩn bị đầu tư 94 dự án, tổng kinh phí 819 tỉ đồng.
Các dự án sẽ hoàn thành trong năm nay như: 2 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Mai Thị Lựu (quận 1) và nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7); dự án chống ngập do triều cường khu vực trung tâm thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2), công suất 469.000m3/ngày, hoàn thành trong quý 4.2019. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000m3/ngày.
Ngoài các dự án trên, TP. HCM cũng xử lý dứt điểm 38 vị trí lấn chiếm cửa xả thoát nước, 62 vị trí lấn chiếm hầm ga thoát nước, 74 trường hợp lấn chiếm tuyến cống thoát nước, 39 vị trí lấn chiếm kênh rạch thoát nước; 17 vị trí bị ảnh hưởng thoát nước do thi công các dự án.
Xây dựng các hồ điều tiết ngầm phân tán ở những khu vực có khả năng ngập nặng. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, góp phần xóa giảm ngập nước trên địa bàn thành phố.