Phát biểu tại buổi họp khẩn phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV lần thứ 2 tại UBND TP.HCM cuối giờ chiều ngày 3/2, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để ứng phó với tình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thành phố lên kế hoạch lập bệnh viện dã chiến.
Cụ thể bệnh viện dã chiến thứ nhất có 300 giường bệnh tại Trường Quân sự thành phố ở ấp Bàu Đưng, Nhuận Đức, huyện Củ Chi với ít nhất 20 giường hồi sức tích cực.
Bệnh viện dã chiến thứ hai có 200 giường bệnh tại xã Phú Xuân, Nhà Bè có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực.
Trong giai đoạn đầu thành lập, hai bệnh viện sẽ sử dụng giường hiện hữu và trang bị mới 30 giường hồi sức, trang bị đầy đủ máy thở, monitor, bơm tiêm, Xquang, siêm âm, xét nghiệm. Hai bệnh viện này cũng được chuẩn bị đầy đủ nhân lực gồm bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức được điều động từ các bệnh viện nội khoa trên địa bàn.
Mục đích thành lập bệnh viện dã chiến nhằm tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ và bệnh nhân mắc bệnh do nCoV khi dịch bệnh lan ra cộng đồng.
Các bệnh viện này sẽ được sử dụng khi số ca mắc bệnh do nCoV ở cùng một thời điểm trên địa bàn thành phố lớn hơn 500 ca, vượt quá khả năng thu dung điều trị tại các khoa cách ly của các bệnh viện thành phố, quận huyện.
Báo cáo tình hình nCoV tại TP.HCM, GS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngoài 3 trường hợp dương tính đang điều trị gồm 2 cha con người Trung Quốc và một Việt kiều Mỹ, đến nay các trường hợp nghi nhiễm còn lại đều được giám sát chặt chẽ.
Thành phố cũng đã tiếp tục cách ly giám sát người tiếp xúc gần với bệnh nhân Việt kiều tại phường 5 quận 3 bao gồm 8 nhân viên khách sạn và 8 khách còn lưu trú để theo dõi tình trạng sức khoẻ đến hết ngày 15/2.
Phân tích yếu tố nguy cơ. GS. Bỉnh cho rằng thành phố gặp nhiều khó khăn trong phòng bệnh do mật độ dân cư cao, cường độ giao thương đi lại với các nước và các tỉnh thành rất lớn. Việc sử dụng máy lạnh trong nhiều nhà ở, công sở là môi trường thuận lợi cho virus phát triển.
Ngoài ra với đặc điểm thời gian ủ bệnh kéo dài trong khi di chuyển từ vùng dịch đến TP.HCM rất ngắn nên khả năng phát hiện ca bệnh xâm nhập tại cửa khẩu là rất hạn chế.
Đại diện Sở Lao động Thương Binh - Xã hội TP.HCM cho biết hiện 1.089 người Trung Quốc là kỹ sư, người lao động trở lại thành phố sau khi về quê ăn Tết đang được để nghị tự cách ly, làm việc tại nhà cho đến khi có thông báo mới.
Về tình hình kinh doanh khẩu trang, đại diện Sở Công thương cho hay đã có văn bản gửi các quận huyện yêu cầu chấn chỉnh tình trạng bán quá giá, tích trữ nhằm đảm bảo đủ khẩu trang và bán đúng giá cho người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho rằng không chờ đến khi phát hiện người mắc bệnh rồi mới cách ly. Thêm nữa, căn cứ vào tốc độ tăng nhanh của dịch bệnh tại Trung Quốc, TP.HCM phải làm mọi cách để ngăn bệnh lây lan, phải cách ly tất cả các khu vực có người nhiễm hoặc gây nhiễm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM phát biểu chỉ đạo
Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM, để tránh dịch bệnh lây lan, phải giám sát chặt chẽ người đến từ vùng dịch; Các sở ngành chức năng phải hướng dẫn kiên trì giám sát người lao động Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại các khách sạn, các chung cư có người Trung Quốc cư ngụ; Việc giám sát tại chỗ cách ly trong 14 ngày là bắt buộc.
Về bệnh viện dã chiến không nên chỉ dùng khi quá tải mà cần thiết phải dùng để giám sát ngay những trường hợp nghi ngờ. “Bệnh viện dã chiến phải là nơi nhận người đầu tiên chứ không phải chờ các bệnh viện quá tải mới nhận bệnh”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM cũng lưu ý nhiều trường hợp ở Trung Quốc nhiễm bệnh do sờ vào tay nắm ở cửa nhà để nhắc nhở nội dung tuyên truyền đến người dân để người dân biết. Sở Y tế TP.HCM cũng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong các cách điều trị (sau khi thông qua Bộ Y tế) để giúp trị khỏi bệnh cho người mắc. Sở Y tế TP.HCM không chỉ báo cáo mà phải dự báo nguy cơ dịch bệnh.
Ông Nhân cũng lưu ý tuần sau 2,6 triệu trẻ em đi học trở lại, nếu mỗi ngày mỗi cháu dùng mỗi cái khẩu trang thì số lượng khẩu trang không thể đáp ứng nổi chính vì thế ngành y tế và giáo dục cần phải cụ thể hoá ngay các cháu có cần đeo khẩu trang không, trường hợp nào thì đeo. Ngành y tế cần phải làm gấp điều này trước khi các cháu đi học trở lại.