TPHCM nằm trong nhóm mức sinh thấp nhất cả nước
Theo số liệu thống kê năm 2018 cho thấy tổng tỉ suất sinh ở TPHCM là 1,33 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con. Năm 2019, tổng tỉ suất sinh của TP HCM là 1,39 con. Riêng năm 2020, tổng tỉ suất sinh của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM là 1,53 con, có xu hướng tăng so với năm 2019.
Như vậy, với số liệu ghi nhận này, dù đã cố gắng nhưng TP.HCM chưa thoát khỏi báo động về tình trạng mức sinh thấp và vẫn trong nhóm 21 tỉnh, TP có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mức sinh thấp ở TPHCM. Theo đó, là một TP lớn có mật độ dân cư cao, quy mô dân số lớn và tốc độ phát triển kinh tế cao dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt…
Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống và công việc đã dẫn đến tình trạng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con. Điều đáng quan tâm là xu hướng này ngày càng gia tăng.
Đối với vấn đề này, ông Phạm Chánh Trung, phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình cho báo chí hay, TP.HCM đang có xu hướng kết hôn muộn.
Hiện tuổi kết hôn lần đầu của những người dân TP cao hơn mức trung bình của cả nước là khoảng 2 tuổi. Năm 2010, độ tuổi kết hôn là 26,6 tuổi. Nhưng đến năm 2018, sau 8 năm, tuổi kết hôn lần đầu ở TP cho cả hai giới đã tăng lên 1,1 tuổi, tức là 27,7 tuổi.
Độ tuổi kết hôn muộn dẫn đến mức sinh thấp ở độ tuổi 20-25 và tập trung nhiều ở độ tuổi 25-34, khi các cặp vợ chồng đã ổn định về công việc và có xu hướng đầu tư chuyên môn cao cho công việc. Ngoài ra, họ cũng có nhu cầu sinh ít để có sự đầu tư, chăm sóc cho con cái tốt hơn. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến các cặp vợ chồng lựa chọn chỉ sinh một con.
Đặc biệt, bà Huỳnh Thị Trong, chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết, bên cạnh tình trạng phá thai thì TPHCM có khoảng 10% trong tổng số các cặp vợ chồng sinh sống ở thành phố gặp vấn đề vô sinh, hiếm muộn. Tỷ lệ này tương đối cao và đáng báo động. Đây là một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến mức sinh thấp.
Theo các chuyên gia, mức sinh thấp ở TP.HCM thấp dẫn đến nhiều hệ lụy cho chính gia đình đó cũng như xã hội.
Đối với các gia đình không sinh con hoặc sinh ít, có thể khi trẻ họ sẽ có nhiều thời gian, kinh tế để tập trung lo sự nghiệp, nhà cửa cũng như tận hưởng cuộc sống. Nhưng khi lớn tuổi có thể sẽ gặp tình cảnh cô đơn, buồn chán, không có người chăm sóc… Đây cũng là vấn đề thường gặp ở nước ngoài, khi xu hướng DINK - xu hướng kết hôn nhưng không sinh con.
Đối với xã hội, mức sinh thấp cũng dẫn đến sự thay đổi nhanh về cơ cấu dân số, kéo theo tốc độ già hóa dân số cũng sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…
Mức sinh thấp cũng kéo theo sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến khích sinh con sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của TP. Trong khi nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số để có thể phát triển bền vững.
Nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp
Trước vấn đề đó, TPHCM đã có nhiều biện pháp, chính sách nhằm tuyên truyền, khuyến khích sinh trong giai đoạn vừa qua.
Cụ thể, TPHCM xác định đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tạo dư luận xã hội hưởng ứng công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; Tuyên truyền nội dung, quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ ngành y tế để không lạm dụng khoa học - công nghệ thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đưa nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Cán bộ TP, các trung tâm chính trị quận, huyện và TP Thủ Đức; Thường xuyên tuyên truyền vận động trực tiếp về kiểm soát mất cân bằng giới tỉnh khi sinh đến từng khu phố, tổ dân phố để hình thành các chuẩn mực, giá trị xã hội mới phù hợp, loại trừ dần nguyên nhân sâu xa của hiện tượng lựa chọn giới tính thai nhi.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền tại các quận, huyện đang có xu hướng gia tăng về tỷ số giới tính khi sinh; Triển khai các mô hình hỗ trợ, can thiệp nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi theo Nghị định 117/2020/NĐ - CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế - Dân số; Tổ chức ký cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi với các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan.
Ngoài ra, tuyên truyền về lợi ích của việc sinh đủ hai con, vận động không kết hôn muộn, không sinh con muộn và sinh đủ hai con. Đối tượng tác động chủ yếu là nam, nữ thanh niên chưa kết hôn và các cặp vợ chồng chưa sinh đủ hai con.
Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động người dân TP thực hiện thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.
Rà soát các quy định không còn phù hợp liên quan đến mục tiêu giải quyết tình trạng mức sinh thấp. Lựa chọn triển khai mô hình hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ hai con phù hợp, cụ thể: Can thiệp giảm tình trạng kết hôn muộn: tạo môi trường thuận lợi để nam, nữ thanh niên giao lưu, kết bạn, tìm hiểu, hẹn hò và tiến tới hôn nhân; nâng cao hiểu biết về tránh thai, tình dục an toàn, kỹ năng sống; Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, sinh con, nhất là người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế: hỗ trợ khám thai, quản lý và theo dõi thai sản, gói dịch vụ sinh đẻ, gói dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Hỗ trợ, khuyến khích các dịch vụ thân thiện với người lao động có con nhỏ tại khu công nghiệp, khu kinh tế: hỗ trợ đón trẻ, trông trẻ; ngân hàng sữa mẹ,...