Sáng 17/4, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TPHCM đã tổ chức phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024" với chủ đề "Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Tháng hành động diễn ra từ ngày 15/4-15/5.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, TPHCM là đầu mối sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến và nông sản nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn là mối lo thường trực được cộng đồng và lãnh đạo cơ quan các cấp quan tâm.
"Hiện nay, chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách và những khó khăn này tác động trực tiếp tới vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề lựa chọn thực phẩm và thái độ hoạt động của những người tham gia sản xuất thực phẩm. Các địa phương và cả TPHCM chưa hoàn toàn miễn nhiễm với những sự kiện gây mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể...Cho nên, chúng ta cần tập trung hơn nữa trong tháng hành động", Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói.
Bà Lan khẳng định, "tháng hành động vì an toàn thực phẩm" không có nghĩa chúng ta chỉ tập trung vào mỗi tháng này mà công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là công tác thường xuyên, liên tục suốt năm, từ đợt này sang đợt khác với nhiều mũi nhọn.
Tháng cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm sẽ tập trung vào 3 mảng hoạt động chính. Thứ nhất là tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các ngành các cấp.
Thứ hai là tiến hành phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm. Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học, công ty, bệnh viện, doanh nghiệp, khu chế xuất... Những bếp ăn tập trung nhiều người cần đạt các chuẩn và các quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Bất cứ giá nào cũng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Thứ ba là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là người tiêu dùng và người hành nghề. Cần nâng dần ý thức của người dân, lo lắng tới vấn đề an toàn thực phẩm là tự lo cho mình và gia đình.
Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chia sẻ, hiện nay, thực phẩm cũng đang là một trong những mặt hàng được kinh doanh thông qua hình thức online. Điều này rất khó kiểm soát chất lượng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, thực phẩm giả, kém chất lượng. Vì vậy các biện pháp kiểm soát đổi với loại hình kinh doanh này cần được quan tâm và thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa vấn đề an toàn thực phẩm trong và xung quanh các trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm TPHCM cần có những chỉ đạo sát sao về nâng cao vai trò của các cấp chính quyền trong quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm vai trò của những người sản xuất kinh doanh thực phẩm và của cả người tiêu dùng.
Theo Sở An toàn thực phẩm TPHCM, mỗi người dân hãy ủng hộ cho công tác an toàn thực phẩm bằng cách lực chọn các thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, được kinh doanh ở các cơ sở hợp pháp, không mua trôi nổi. Biết cách chế biến, sử dụng và bảo quản đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các đơn vị sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần phát triển bền vững. Thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tập huấn nâng cao nhận thức, tìm thị trường và kiểm tra giám sát chất lượng thực phẩm trong suốt quá trình lưu thông.
Khi phát hiện hay chứng kiến những hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân hãy báo cho các cơ quan chức năng qua đường dây nóng 02839301714 để xử lý kịp thời.