Hà Nội

TP.HCM khởi động triển khai thí điểm mô hình Tele PrEP

27-09-2022 21:25 | Y tế
google news

SKĐS - Ngày 27/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức chương trình Khởi động triển khai thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (Tele PrEP).

Đây là giải pháp mới hướng đến việc hỗ trợ khách hàng nhóm nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) một cách thuận lợi, góp phần giúp TP.HCM đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Tele PrEP là chữ viết tắt của dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa. Với dịch vụ này, khách hàng không cần tới trực tiếp phòng khám. Bác sĩ và khách hàng sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện việc tư vấn, khám và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV. Khách hàng sẽ được cấp phát thuốc thông qua một đơn vị vận chuyển và không cần đến trực tiếp phòng khám để nhận thuốc.

TP.HCM khởi động triển khai thí điểm mô hình Tele PrEP - Ảnh 1.

Khởi động triển khai thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (Tele PrEP) tại TP.HCM. Ảnh: Kim Vân

Theo hệ thống báo cáo ca bệnh, 6 tháng đầu năm 2022, TP.HCM phát hiện 2.758 ca nhiễm HIV. Trong đó, nam giới chiếm tỉ lệ 92% tổng số ca nhiễm, 73% ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); 26% ca nhiễm có độ tuổi từ 22 trở xuống, 62% ca nhiễm nằm trong độ tuổi từ 23-40.

BS.CK II Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước tình hình dịch HIV có xu hướng tập trung trên nhóm MSM, ngành y tế thành phố xác định bên cạnh các biện pháp mà thành phố đã và đang triển khai như: Tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; cung ứng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn; điều trị ARV trong ngày; điều trị các rối loạn tâm thần, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục…ngành y tế thành phố cần triển khai các giải pháp mới để phù hợp với tình hình mới. Trong đó, phải kể đến là việc thí điểm mô hình Tele PrEP đặc biệt với nhóm MSM.

Cũng theo bác sĩ Hưng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV được triển khai thí điểm đầu tiên vào tháng 3/2017 với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Tổ chức USAID/PATH. Đến cuối tháng 6/2022, TP.HCM đã mở rộng điều trị PrEP tại 33 cơ sở y tế công và tư. Tính từ khi triển khai, chương trình đã điều trị lũy tích cho 23.587 khách hàng nguy cơ có kết quả xét nghiệm âm tính HIV vào điều trị PrEP, trong đó khách hàng là nhóm MSM chiếm 83%.

Được biết, hoạt động cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (Tele PrEP) được thí điểm tại 11 cơ sở y tế công và tư. Thời gian thí điểm từ 1/08/2022 đến 30/04/2023.

TP.HCM khởi động triển khai thí điểm mô hình Tele PrEP - Ảnh 2.

11 cơ sở y tế công và tư được lựa chọn thí điểm mô hình Tele PrEP.

Các dịch vụ Tele PrEP bao gồm: Đặt lịch khám; Sàng lọc nguy cơ lây nhiễm HIV; Tư vấn về lợi ích PrEP; Tư vấn, hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho PrEP; Tư vấn, hỏi bệnh và kê đơn thuốc cho các trường hợp đang điều trị PrEP có tuân thủ điều trị tốt; Hỗ trợ tuân thủ, duy trì điều trị PrEP; Cung cấp thuốc PrEP miễn phí cho khách hàng qua đơn vị vận chuyển.

Tele PrEP mang lại lợi ích 2 chiều cho cả khách hàng và cơ sở điều trị PrEP. Cụ thể, đối với khách hàng khi đăng ký dịch vụ Tele PrEP sẽ giảm thời gian đi lại và chờ đợi, vì có thể nhận dịch vụ PrEP tại nhà và không phụ thuộc vào vị trí khách hàng. Đồng thời dịch vụ cho thấy sự thuận tiện, đơn giản và không thêm chi phí. Đối với cơ sở điều trị PrEP, Tele PrEP giúp tăng độ bao phủ, tăng số khách hàng sử dụng PrEP, tăng sự hài lòng và tham gia của khách hàng. Mặt khác giúp giảm công việc hành chính, kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc và giảm sự kỳ thị vì tăng sự bảo mật, riêng tư.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, hướng đến mục tiêu năm 2030 sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS, ngành y tế TP.HCM đã tăng cường triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, bao gồm PrEP. Thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân HIV nói chung và khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP nói riêng đã không tiếp cận được các cơ sở y tế để tiếp tục nhận dịch vụ. Đồng thời, vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử, không những với người nhiễm HIV, mà còn trên nhóm người sử dụng PrEP, nhóm đối tượng MSM và nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, dẫn đến tình trạng nhóm này ngại đến trực tiếp các cơ sở y tế để nhận các dịch vụ liên quan đến dự phòng lây nhiễm HIV.

Việc điều trị PrEP từ xa là một trong những hoạt động giúp cho những người có nhu cầu thuận tiện tiếp cận dịch vụ mà vì nhiều lí do khác nhau họ chưa thể tiếp cận với phòng khám. Đồng thời, thành phố cũng nhận thấy mô hình này hoàn toàn phù hợp với các định hướng về khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế cũng như Chương trình chuyển đổi số của quốc gia.

Hàng nghìn người trẻ được nâng cao nhận thức về PrEP và HIV/AIDSHàng nghìn người trẻ được nâng cao nhận thức về PrEP và HIV/AIDS

SKĐS - Thông qua 8 dự án truyền thông tại 3 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Bình Dương đã tiếp cận được nhiều khách hàng trẻ như học sinh, sinh viên, công nhân, MSM (quan hệ tình dục đồng giới) để truyền thông kiến thức hữu ích về dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và HIV/AIDS....


K.Vân
Ý kiến của bạn