Hà Nội

TP.HCM: Huy động tổng lực chống dịch bệnh xâm nhập

07-05-2021 20:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong nước đang xuất hiện nhiều ổ dịch, ca bệnh trong cộng đồng, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập được nâng lên mức “báo động”. TP.HCM đã và đang rà soát, hoàn thiện các kế hoạch, kịch bản đáp ứng từng cấp độ dịch COVID-19.

Khẩn trương truy vết, khoanh vùng triệt để

Tính đến nay, tại TP.HCM đã phát hiện 264 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 69 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 26,2%), 191 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 72,3%), 4 trường hợp lây trong khu cách ly Việt Nam Airline (1,5%). Trong ngày 6/5, có 3 trường hợp nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2  là người nhập cảnh đã được cách ly tập trung. Đến nay, 240 trường hợp được điều trị khỏi bệnh, chiếm tỷ lệ 90,9%.

Nhân viên y tế tại TP.HCM truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng. Ảnh: H.T

Trước tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, với sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 và Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM đã khẩn trương tăng cường thực hiện các biện pháp, nhằm chủ động ngăn chặn, kiểm soát không để nguồn bệnh xâm nhập và lây lan, đồng thời sẵn sàng ứng phó khi phát sinh dịch bệnh.

Khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng xử lý triệt để khi phát hiện ca bệnh và những trường hợp liên quan tới các ca bệnh của địa phương khác đang xuất hiện tại TP.HCM. Triển khai các yêu cầu nghiêm ngặt trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như: tạm dừng hoạt động các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, các hoạt động diễn ra trong không gian kín hoặc tập trung đông người…

Thêm 4 khu cách ly tập trung nâng

Giai đoạn sau nghỉ lễ, khi người dân từ các nơi trở về, TP.HCM đã triển khai ngay các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa nguồn bệnh xâm nhập vào thành phố. Tiếp tục tổ chức giám sát thường xuyên, nhằm phát hiện sớm nguồn bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM trong cuộc họp với Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chiều 7/5. Ảnh: TTBC

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đã có nhiều ca bệnh phát hiện trong nước như tại Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình... Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo ở người bệnh và nhân viên y tế... Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh.

TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó trong tình huống dịch lan rộng. Theo đó, triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung của thành phố, nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường. Dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm (40.000 test sẵn có và 50.000 test chuẩn bị mua thêm). Phối hợp giữa cơ cở y tế của thành phố và Trung ương trên địa bàn TP.HCM nhằm đảm bảo công suất xét nghiệm (15.000 mẫu đơn trong 24 giờ). Khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000 – 40.000 mẫu đơn. Sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 người bệnh. Dự trù kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100 - 200 người bệnh.

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, đã có 59.260 người thuộc đối tượng ưu tiên (nhân viên y tế, nhân viên thực hiện cách ly tập trung, nhân viên sân bay) được tiêm. Đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng tiến độ quy định; hoàn tất tiêm vét mũi 1 trước ngày 15/5, đạt tỷ lệ tiêm 98%.

Đảm bảo tiêu chí an toàn trong mùa thi

Với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM yêu cầu Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các phòng giáo dục tổ chức kiểm tra công tác học tập và thi cử, đảm bảo an toàn và đúng tinh thần chỉ đạo tại văn bản số 1415/UBND-VX ngày 6/5/2021 của UBND TP.HCM về tạm ngưng các hoạt động dạy và học trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (trái) yêu cầu Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện không được chủ quan, lơ là. Ảnh: TTBC

Lưu ý công tác tự đánh giá mức độ an toàn và cập nhật trên bản đồ an toàn COVID-19 do Bộ Y tế ban hành. Lãnh đạo các địa phương phải thường xuyên nhắc nhở các đơn vị, cơ sở trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc và có báo cáo cập nhật cụ thể. Trường hợp nào chưa đảm bảo các tiêu chí an toàn cần tranh thủ khoảng thời gian ngay sau ngày 10/5 (tạm dừng hoạt động dạy, học, giáo dục trực tiếp) để khắc phục, chấn chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng yêu cầu phát tiếp tục phát huy vai trò, nhiệm vụ của các Tổ COVID-19 cộng đồng để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh.

TP.HCM tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm quy tắc 5K, xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM đã tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ, trung tâm thương mại, bến xe, cơ sở giáo dục, cơ sở cách ly tập trung… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn