Hà Nội

TP.HCM: Hơn 80 phóng viên đầu tiên được tiêm vắc xin phòng COVID-19

04-05-2021 13:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 4/5, tại viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 của hãng Astrazeneca (Vương quốc Anh) cho đội ngũ phóng viên tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19 ở TP.HCM.

Có mặt tại điểm tiêm chủng từ sớm, Phóng viên Phương Thảo - Truyền hình Quốc hội Việt Nam tại TP.HCM là phóng viên y tế đầu tiên tại khu vực phía Nam được tiêm ngừa COVID-19.

Chị chia sẻ, dù là người đầu tiên trong đội ngũ phóng viên được tiêm vắc xin COVID-19 nhưng vì đã có thời gian tìm hiểu và biết rõ về hiệu quả phòng bệnh lẫn các phản ứng phụ (nếu có) của vắc xin nên tâm lý rất thoải mái.

Phóng viên Phương Thảo - Truyền hình Quốc hội Việt Nam tại TP.HCM được tiêm vắc xin COVID-19

“Là phóng viên y tế, thường phải ra vào những khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19, việc được tiêm ngừa này cũng giúp tôi yên tâm hơn vì có thể xem như là đã được trang bị “vũ khí” phòng vệ. Sau gần 4 giờ tiêm thì sức khoẻ mình vẫn ổn định, vết tiêm cũng không đau hay sưng đỏ. Hiện nay, dù đã tiêm vắc xin nhưng tôi vẫn sẽ đeo khẩu trang, sát khuẩn... để đảm bảo phòng chống dịch, an toàn tối đa”- Phóng viên Phương Thảo cho hay.

Phóng viên Thanh Hương – Báo Thanh Niên cho biết, sau khi được khám sàng lọc kỹ lưỡng, chị được tiêm vắc xin COVID-19, được các bác sĩ theo dõi 30 phút sau tiêm.

Phóng viên Thanh Hương trước khi được tiêm vắc xin. Ảnh: H.T

Chị Hương chia sẻ: “Việc tiêm vắc xin COVID-19 giúp tôi yên tâm hơn khi đến các điểm nguy cơ dịch bệnh để truyền thông về công tác phòng chống dịch. An tâm cho chính mình và cho gia đình, đồng nghiệm và cộng đồng. Tôi hy vọng nguồn vắc xin sớm được xã hội hoá để bao phủ vắc xin trong toàn dân, nâng hiệu quả phòng bệnh lên mức tối đa. Hiện nay, tôi và đồng nghiệp dù đã được tiêm vắc xin nhưng vẫn luôn nghiêm túc tuân thủ “5K” để phòng chống dịch bệnh”.

Vắc xin COVID-19 của hãng Astrazeneca (Vương quốc Anh) được tiêm cho đội ngũ phóng viên y tế sáng nay (4/5). Ảnh: H.T

Sau khi tiêm vắc xin, phóng viên Kim Vân – Báo Gia Đình và Xã Hội thường trú tại TP.HCM bày tỏ: “Tôi tin rằng vắc xin COVID-19 sẽ giúp tôi và đồng nghiệp vững tin và an tâm hơn để làm tốt nhiệm vụ của mình, giúp cho việc phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 tốt hơn”

Tại điểm tiêm chủng, bác sĩ khuyến cáo: Giống như tất cả các loại thuốc, vắc xin ngừa COVID-19 có thể gây ra các phản ứng bất lợi sau tiêm, cho dù không phải ai cũng gặp phải. Hầu hết các phản ứng sau tiêm có tính chất nhẹ đến trung bình và hồi phục trong vòng vài ngày, một số vẫn xuất hiện một tuần sau khi tiêm chủng.

Trước tiêm chủng, các phóng viên được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Ảnh: H.T

Các phản ứng thường gặp như: đau, nóng, ngứa hoặc bầm nơi tiêm, cảm giác không khỏe, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc sốt, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, khớp, nôn hoặc tiêu chảy…

Tại đây, các phóng viên đã được theo dõi sau tiêm chủng ít nhất 30 phút và hướng dẫn theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ, tiếp tục theo dõi trong vòng 7 ngày sau tiêm chủng. Nếu có dấu hiệu bất thường: sốt cao (≥39°C), tím tái, khó thở… cần liên hệ với bệnh viện hoặc các cơ sở y tế.

Trước tiêm chủng các phóng viên được khám sàng lọc kỹ lưỡng

Gọi điện y tế khẩn cấp nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong vòng hơn 4 ngày và trong 28 ngày sau khi chủng ngừa COVID-19:

- Khởi phát với cơn đau đầu dữ dội mới, ngày càng nặng hơn và không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường;

- Đau đầu bất thường, đau nhiều hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống, hoặc có thể đi kèm với mờ mắt, buồn nôn và nôn, khó phát âm, suy nhược, buồn ngủ hoặc co giật;

- Phát ban trông giống như vết bầm tím nhỏ hoặc xuất huyết dưới da ngoài vết tiêm, không rõ nguyên nhân;

- Khó thở, đau ngực, phù chân hoặc đau bụng dai dẳng.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn