Thông tin này được ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM đưa ra tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố chiều ngày 10/8.
Theo ông An, mục tiêu của chương trình này là giúp giảm phát thải khí Carbon và Metan từ phương tiện giao thông, góp phần thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh. Việc này không chỉ có tác động tích cực đến môi trường sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu quan trọng trong chiến lược quốc gia, đó là đạt mức phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, chương trình hỗ trợ sẽ tập trung vào nhiều khía cạnh như hỗ trợ sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu các phương tiện; hỗ trợ người tiêu dùng và người sử dụng; hỗ trợ hạ tầng, linh kiện điện, pin và trạm sạc; hỗ trợ trong khâu vận hành và khai thác.
Đối với phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và taxi, Thành phố sẽ tăng mức trợ giá, hỗ trợ trạm sạc, miễn giảm thuế trước bạ và tạo điều kiện thuận lợi trong khâu vận hành và khai thác.
Đối với các loại mô tô và xe 2 bánh cũ, Sở Giao thông Vận tải cũng đã xác định các khu vực thí điểm như huyện Cần Giờ và khu vực trung tâm, cùng với việc nghiên cứu các hỗ trợ gián tiếp thông qua chính sách hoặc trực tiếp qua chi phí mua xe điện.
Trước đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ông Trần Quang Lâm đã nhấn mạnh tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" rằng, việc thí điểm hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe máy điện sẽ không chỉ giúp giảm phát thải khí từ xe máy vào môi trường mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Thành phố. Thành phố hiện có khoảng 9 triệu phương tiện cá nhân, trong đó, xe máy chiếm tỷ lệ lớn.
TPHCM đã bắt đầu lên kế hoạch chuyển đổi sâu từ xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sang xe máy điện, tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường sống cũng như góp phần thúc đẩy mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính. Chương trình dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và Thành phố, đồng thời góp phần xây dựng môi trường sống bền vững và xanh hơn cho tương lai.