TP.HCM: Hỗ trợ 100% mua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS

28-11-2017 14:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ước tính đến tháng 9/2017, TP.HCM đã phát hiện 57.267 người nhiễm HIV, 10.553 người tử vong vì HIV/AIDS. Hiện nay, TP.HCM có 46.714 người nhiễm HIV còn sống. Người nhiễm HIV sẽ khỏe mạnh, kéo dài cuộc sống nếu như được điều trị sớm ARV và tuân thủ điều trị.

Ngày 27/11/2017, TP.HCM tổ chức mittinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12. UBND TP.HCM bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; hỗ trợ cung cấp thuốc Methadone miễn phí cho bệnh nhân điều trị Methadone; hỗ trợ 100% việc mua thẻ bảo hiểm y tế và đồng chi trả 20% thuốc ARV cho bệnh nhân có hộ khẩu tại thành phố và tạm trú trên 6 tháng tại thành phố đang điều trị HIV/AIDS.

Một thành viên của nhóm Bình Minh Đêm (TP.HCM) chia sẻ: “Năm 2006, tôi và chồng trước phát hiện có HIV. Khi đó, tôi nghĩ rằng ngày mai tôi sẽ chết. Trên đường về nhà, tôi đã mua thuốc chuột để uống nhưng khi về đến nhà nhìn thấy cô con gái nhỏ, tôi đã bỏ ý định tử tự. Một tuần sau, tôi quyết định đến Trung tâm Y tế Dự phòng Quận 1 (khoa Tham vấn Cộng đồng Quận 1) để vào chương trình điều trị ARV.

Điều trị ARV được 10 năm, hiện nay CD4 của tôi trên 700 và tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện tức là khả năng không còn lây truyền virut này cho người khác. Hiện nay, tôi đang sống cùng với người chồng sau được 2 năm và anh ấy âm tính.”

Methadone là một trong biện pháp giảm tác hại lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm đối tượng tiêm chích ma túy

Methadone là một trong biện pháp giảm tác hại lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm đối tượng tiêm chích ma túy (Ảnh tư liệu)

Chị Linh Ng., một trong những người thành lập nhóm Bình Minh Đêm, cho biết, hiện nay, nhóm có 36 thành viên với 3 dự án như: Dự án SANL hỗ trợ giảm tác hại cho người bán dâm, dự án bảo vệ tương lai cho thanh niên từ 16 đến 24 tuổi, dự án Phạm Ngũ Lão (những chị em làm trong các khu vui chơi giải trí). Hiện nay, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như sau: nhóm nghiện chích ma túy (15%), phụ nữ mại dâm (7,3%), nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (12 – 14%). Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng.

“Nhóm thường đến các điểm nóng tiếp cận các bạn có nguy cơ cao, phát những vật dụng giảm hại, truyền thông bảo vệ sức khỏe, kết nối đến các dịch vụ sẵn có trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, riêng bản thân tôi đã hỗ trợ được 38 bạn xét nghiệm dương tính HIV vào điều trị ARV tại OPC (phòng khám ngoại trú). Bởi tôi biết, người nhiễm HIV sẽ khỏe mạnh, kéo dài sự sống nếu được điều trị sớm ARV và tuân thủ điều trị,” chị Linh cho biết

Việt Nam: 9 năm liên tiếp, dịch HIV/AIDS giảm cả 3 tiêu chí

TS. BS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết năm 2017 là năm thứ 9 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí: giảm người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS cho đến nay thế giới có hơn 36,7 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 35 triệu người đã tử vong do AIDS kể từ đầu vụ dịch. Việt Nam có khoảng 250 nghìn người nhiễm HIV còn sống và đã hơn 92 nghìn người tử vong vì AIDS kể từ đầu vụ dịch.

Xét nghiệm chẩn đoán HIV cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao

TP.HCM có số người nhiễm HIV cao nhất cả nước. Với vị trí đặc thù là nơi giao lưu mở rộng quốc tế và trong nước, nguy cơ lan truyền dịch bệnh nói chung và dịch HIV nói riêng là rất lớn và khó kiểm soát. Các nhóm quần thể hành vi cao như nghiện chích ma túy, mại dâm số lượng đông, hoạt động tinh vi phức tạp, và tỷ lệ nhiễm HIV còn cao. TP.HCM còn có một lượng lớn dân biến động, làm ăn theo thời vụ. Thêm vào đó, các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các hoạt động dự động như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, can thiệp giảm tác hại đã được triển khai toàn diện. Đặc biệt, TP.HCM đã chủ động đầu tư ngân sách cho điều trị Methadone, điều trị ARV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính đến tháng 9/2017, kết quả ước tính ban đầu khi thực hiện Mục tiêu 90 – 90 – 90 như sau: Đối với mục tiêu thứ nhất (90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ), ước tính TP.HCM đã đạt được 73%; đối với mục tiêu thứ hai (90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV duy trì điều trị ARV liên tục), TP.HCM đã đạt được 75%; với mục tiêu thứ ba (90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi- rút ở mức thấp và ổn định), thành phố đã đạt được 96%. Như vậy, TP.HCM có khả năng rất cao sẽ đạt được mục tiêu 90-90-90 theo kế hoạch đã đề ra.

“Chúng ta kết thúc dịch HIV/AIDS không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng tình yêu với từng con người. Đây là thông điệp mà TP.HCM đã mang đến và chia sẻ tại Hội nghị “Các thành phố cam kết dồn tổng lực chấm dứt AIDS vào năm 2030 – Fast Track Cities” tại New York, Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2016. Và tôi mong đây cũng là thông điệp cho tất cả chúng ta trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại TPHCM,” PGS. Tấn Bỉnh khẳng định.

Những người có HIV đều có cơ hội tìm lại cuộc đời của chính mình. Cuộc đời họ đã có những bước đi lệch lạc, sai lầm, dẫu biết quá khứ không thể nào xóa bỏ được.


Hương Cát
Ý kiến của bạn