Mất cân bằng giới tính tăng nhanh sau chưa đầy 10 năm
Trong một trả lời của ông Phạm Chánh Trung - Phó Chi cục trưởng phụ trách, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình TP.Hồ Chí Minh, cho biết: Tại TPHCM, theo số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành Dân số từ năm 2011 cho thấy, tỉ số giới tính khi sinh được duy trì ở giới hạn bình thường, khoảng 105-107 trẻ nam/100 trẻ nữ. Tuy nhiên, theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà năm 2019, thì tỉ số giới tính khi sinh của TP.Hồ Chí Minh là 114,1 nam/100 nữ. Đây là số liệu thể hiện sự gia tăng bất thường của mất cân bằng giới khi sinh.
Cũng theo ông Phạm Chánh Trung, tỉ lệ nam và nữ là nhân tố quan trọng của dân số. Bởi nam và nữ khác nhau ở cả góc độ tự nhiên lẫn góc độ xã hội. Những điểm khác biệt này giúp phân công lao động hợp lý cũng như xây dựng mối quan hệ bình đẳng giới. Tỉ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái, là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số.
Những hệ hụy về mất cân bằng giới tính khi sinh
Ông Phạm Chánh Trung cho hay: Nhiều chuyên gia cảnh báo, với đà tăng dân số và sự chênh lệch giới tính khi sinh ngày càng cao như hiện nay, trong những năm tới, Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có 4 điểm thách thức chính:
- Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số trong lương lai; phá vỡ cấu trúc cân bằng giới trong nguồn lực lao động. Theo phân tích và dự báo, ước tính đến năm 2050, chênh lệch giữa số lượng giữa nam và nữ từ 2.3 đến 4.3 triệu người.
- Do thiếu nữ nên cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể (một số nam giới có thể phải lựa chọn hay rơi vào tình trạng sống độc thân) điều này sẽ ảnh hưởng đến mức sinh và chất lượng dân số.
- Gia tăng các nguy cơ xâm hại tình dục phụ nữ cũng như sức ép về việc gánh vác các trách nhiệm từ phía gia đình và người chồng.
- Do tỉ lệ nữ ít nên tiếng nói và vị thế của phụ nữ trong xã hội có thể bị ảnh hưởng.
Giải pháp kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính
Theo ông Phạm Chánh Trung, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, kinh nghiệm trên thế giới là phải nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội bằng chính những hành động thiết thực.
Tăng cường tuyên truyền vận động người dân để thay đổi tư duy, nhận thức và hành động gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Truyền thông giáo dục bằng nhiều nội dung và hình thức phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong tiềm thức của người dân, nâng cao địa vị phụ nữ, bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ.
Tuyên truyền để mọi người dân được biết những chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về việc nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cơ sở y tế vi phạm về việc cung cấp thông tin giới tính hoặc lựa chọn giới tính. Định hướng xây dựng các chương trình cộng đồng cho giới nữ cũng như đẩy mạnh hình ảnh nữ quyền trong các hoạt động dành cho giới nữ.
Để giải quyết, khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở việc truyền thông chuyển đổi hành vi, thông qua việc hiểu đúng và tự nguyện thực hiện các chủ chương, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến vấn đề lựa chọn giới thai nhi của mỗi người dân.
Mời độc giả xem thêm video:
Hà Nội - điều trị F0 - 4 tại chỗ - đáp ứng kịch bản 100.000 ca bệnh.