Giải pháp cho hơn 13.000 thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu
Hiệp Hội bất động sản TPHCM mới đây đã đề nghị cơ quan soạn thảo Bảng giá đất điều chỉnh quan tâm đến các trường hợp cá nhân có nhu cầu xin công nhận quyền sử dụng đất ở, trong đó có 13.035 thửa đất mà người sử dụng đất chưa được cấp "Giấy chứng nhận lần đầu"; hoặc xin "hợp pháp hóa" quyền sử dụng đất ở đối với diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nằm xen kẽ trong đô thị, khu dân cư nông thôn gắn liền với nhà ở (phần diện tích này đã có "sổ hồng") trong cùng thửa đất; hoặc xin "tách thửa đất" đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành "đất ở" để chia cho con cháu.
"Đặc biệt là trường hợp cá nhân, hộ gia đình có nhà đất nằm trong các khu vực "quy hoạch treo" như "quy hoạch khu dân cư xây dựng mới", "quy hoạch khu dân cư chỉnh trang" hoặc nằm trong "dự án treo" điển hình là "Dự án Bình Qưới Thanh Đa", mà trong nhiều năm qua người dân đã bị treo các "quyền" của người sử dụng đất. Nếu tới đây họ được "xóa treo" thì lại tiếp tục bị "thiệt thòi, thua thiệt" lần thứ 2 khi phải đóng tiền sử dụng đất rất cao theo Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh", ông Lê Hoàng Châu, Hiệp Hội bất động sản TPHCM cho biết.
Đối với các vướng mắc này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, liên quan đến hơn 13.000 trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu, khi đánh giá tác động, sở đã làm việc trực tiếp với các quận, huyện để xem xét việc tác động. Trong đó 6 quận không còn đất nông nghiệp nữa, trường hợp xin cấp Giấy chứng nhận ban đầu không bị tác động bởi người dân sử dụng đất ổn định từ xưa đến giờ, khi cấp Giấy chứng nhận thì những trường hợp này không phải đóng tiền sử dụng đất. Các quận huyện khác, trường hợp đã sử dụng đất ổn định nhiều năm thì được cấp Giấy chứng nhận, trừ trường hợp có tranh chấp thì giải quyết xong tranh chấp mới cấp Giấy chứng nhận, còn nếu sử dụng đất ổn định thi không thể nào lấy bảng giá áp vào để tính tiền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ: "Đối với các trường hợp do quy hoạch treo, có điều chỉnh lại quy hoạch thì Sở đang tiếp thu các ý kiến đóng góp để kiến nghị về mặt chính sách đối với nghĩa vụ tài chính cho những trường hợp ở khu quy hoạch treo khi được gỡ quy hoạch, cần nghiên cứu để có những đề xuất phù hợp".
TPHCM là địa phương duy nhất có Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh
Ngày 29/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công bố thông tin về "Dự thảo Bảng giá đất trên địa bàn TPHCM áp dụng từ ngày 01/08/2024 đến ngày 31/12/2024" ("Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh") theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Theo Hiệp Hội bất động sản TPHCM, giá đất của Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh phổ biến tăng 10-20 lần so với giá đất của Bảng giá đất hiện hành đã được quy định tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND TPHCM; trong đó có 1 quận và 4 huyện có mức tăng giá đất tại một số vị trí đất trên 30 lần, cá biệt có một số vị trí đất tại huyện Hóc Môn có mức tăng giá đến 51 lần.
Cho đến thời điểm hiện nay, Hiệp hội nhận thấy mới chỉ có duy nhất TPHCM công bố thông tin về Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh áp dụng từ ngày 01/08/2024 đến ngày 31/12/2024.
Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu kiến nghị: "Cơ quan soạn thảo nên đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấy rõ hơn vì sao tại thời điểm hiện nay chưa nên ban hành Bảng giá đất áp dụng từ 01/08/2024, mà nên thực hiện theo quy định "Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025".
Nên tập trung xây dựng "Bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026" theo quy định tại khoản 3 Điều 159 và tại phần đầu của khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024".