Tại Hội nghị sơ kết hoạt động của ngành y tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022 chiều nay (14/7), ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây là năm đầu tiên trong gần 10 năm qua việc giải ngân vốn đầu tư công của các cơ sở y tế thấp như vậy.
Nguyên nhân được cho là tình hình chiến tranh ở một số quốc gia, giá xăng tăng dẫn đến nguyên vật liệu tăng giá theo, nhiều nhà thầu không thực hiện xây dựng. Cùng với đó, sau dịch COVID-19, nhiều công nhân không quay trở lại thành phố, khiến các công trình xây dựng thiếu hụt nhân lực làm việc. Điển hình như tại Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, là một công trình lớn nhưng chỉ có 120 công nhân làm việc, tiến độ rất chậm. Nhiều công trình khác thậm chí không có công nhân. Vì vậy không có khối lượng căn cứ để giải ngân.
Thêm nữa, một số dự án hết thời gian thực hiện, phải chờ gia hạn để kéo dài thời gian xây dựng; hoặc một số chủ đầu tư chậm thực hiện chủ trương đầu tư mặc dù đã có trong danh sách trung hạn.
Như công trình xây dựng mới Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, tới ngày 1/7, khối lượng giải ngân vẫn là 0%, do đang chờ Sở Xây dựng chấp thuận chủ trương xin gia hạn dự án. Thậm chí, khi đang tiến hành đào móng thì phát hiện ra bên dưới công trình có một móng khác của nhà dân, nên phải tạm dừng thi công thay đổi phương án xây dựng.
Đáng nói, có dự án khối điều trị nội trú của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, được lên phương án xây dựng từ 10 năm trước, vì thế có sự chênh lệch lớn về giá giữa lúc đó và hiện tại. Trước kia, để xây dựng hoàn thiện bệnh viện thì cần khoảng hai tỷ đồng/giường bệnh, trong khi đó hiện nay bình quân cần 4,5 tỷ/giường bệnh. Khối lượng giải ngân tới 1/7 của bệnh viện này là 36,8%. Nhà thầu chấp nhận đền hợp đồng vì "càng xây nhà thầu càng lỗ".
"Chúng tôi rất sốt ruột, tháng nào cũng triệu tập lãnh đạo các bệnh viện để báo cáo chi tiết tình hình giải ngân, tuy nhiên, trong 3 tháng liên tục chỉ loanh quanh có 12%. Rất may đến ngày 10/7 tăng lên được 28%. Tuy nhiên con số này cũng rất thấp", ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.