BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, bệnh nhân 26 tuổi, thể trạng béo phì, bị sốt, điều trị tại nhà 5 ngày thì tử vong vào ngày 30/5. Kết quả xét nghiệm tìm nguyên nhân tử vong cho thấy người bệnh dương tính với cúm A/H1N1.
Vi rút cúm H1N1 dễ lây và có thể đe dọa tính mạng người mắc bệnh mạn tính.
Sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố và Viện Pasteur TP.HCM đó đã tiến hành điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp giám sát lây nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng. Đến sáng 9/6, tức hơn một tuần giám sát, không phát hiện thêm ca bệnh cúm nào tại nơi bệnh nhân cư ngụ.
Cũng theo BS Dũng, ngày 5/6, một bệnh nhân nam 49 tuổi, cư ngụ tại Bình Thuận, có tiền sử tiểu đường type 2 cũng đã vào BV Quận Thủ Đức trong tình trạng suy hô hấp nặng, sau 8 ngày tự điều trị tại nhà. Bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy, tại đây kết quả xét nghiệm cũng dương tính với cúm A/H1N1. Hiện bệnh nhân vẫn còn nằm viện.
'Đây là hai trường hợp bệnh cúm xảy ra trên đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng cao (béo phì, tiểu đường), không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, nguồn lây từ cộng đồng, không phải từ bệnh viện", BS Dũng cho biết.
Từ hai ca bệnh trên, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM khuyến cáo người dân, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm bằng cách tiêm chủng vắc xin, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp.
Trong trường hợp có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi, người bệnh cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc.
Theo Bộ Y tế, tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), những người nhiễm cúm A(H1N1) hay vi rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính.