Hà Nội

TPHCM đưa ra kịch bản đối phó tình trạng mức sinh thấp

01-12-2021 20:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Thành phố Hồ Chí Minh đang ở trong nhóm 21 tỉnh thành có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước, điều nay tạo nên những thách thức trong tương lai gần về nguồn lực lao động và các yếu tố an sinh xã hội khác.

Thống kê cho thấy năm 2020, tổng tỉ suất sinh của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố là 1,53 con, có xu hướng tăng hơn so với năm 2019 (1,39 con), song chưa thoát khỏi báo động về tình trạng mức sinh thấp.

Mặc dù hiện nay quy mô dân số ở Thành phố Hồ Chí Minh khá lớn nhưng tốc độ già hóa dân số của Thành phố đang diễn ra khá nhanh. Điều này tạo nên những thách thức trong tương lai có thể rất gần về nguồn lực lao động và các yếu tố an sinh xã hội khác.

Nói về kịch bản những thách thức do mức sinh thấp gây ra, ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM cho rằng, bất lợi đầu tiên là sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…

TPHCM đưa ra kịch bản đối phó tình trạng mức sinh thấp - Ảnh 1.

Kế đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chi phí cho chính sách khuyến khích sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của Thành phố, trong khi đó, nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số để có thể phát triển bền vững.

Dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển khu vực Tây Âu, các quốc gia như Nhật Bản, khi thực hiện các chính sách khuyến sinh, chính phủ các quốc gia này cũng đồng thời sử dụng chính sách thu hút lao động từ các khu vực khác. Việc cân đối lại nguồn lao động giúp giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động và thiếu nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, phải tính đến yếu tố đây là nguồn lao động phụ thuộc vào bên ngoài và sẽ chịu sự cạnh tranh từ các khu vực khác cũng tương đối phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang thu hút lực lượng lao động từ rất nhiều tỉnh, thành phố nhưng đó là nguồn lao động cũng đang được thu hút và đãi ngộ từ các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng như các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Do đó việc nghiên cứu và theo dõi mức sinh vốn thấp hiện nay cũng cần phải tiến hành chặt chẽ cùng với các chính sách thu hút lao động nhập cư.

Đối với việc TPHCM bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, để ứng phó và thích nghi, ngành Y tế thành phố cũng đã có những chuẩn bị cơ bản trong việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Cụ thể:

Các đơn vị y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố đã thực hiện nghiêm túc công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi và Thông tư số 35/TT-BYT ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Bộ Y tế về hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Các bệnh viện cấp thành phố đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân sự để thành lập khoa Lão khoa. Một số bệnh viện cấp quận - huyện đã thực hiện điều trị các bệnh lý Lão học, thành lập Lão khoa kết hợp với khoa Nội.

Công tác khám, chữa bệnh, quản lý sức khỏe, truyền thông phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, năm 2020, số người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ tại phường - xã, thị trấn nơi cư trú là 339.832 người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện nay, tỷ lệ đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi của thành phố là trên 90%. Tại thành phố, hiện nay cũng đã có nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi được hình thành. Thành phố có 19 cơ sở bảo trợ xã hội (nhà dưỡng lão) công lập và ngoài công lập dành cho người cao tuổi (Công lập: 06, ngoài công lập: 13)

Tuy nhiên, không thể không nói đến những mặt còn tồn tại trên thực tế. Theo đó, việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi cũng còn bị giới hạn, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng.

Nhìn chung các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn phân tán, riêng lẻ, chưa mang tính hệ thống và thiếu sự lồng ghép với các chương trình khác liên quan đến người cao tuổi.

Về tổng thể, hạn chế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thể hiện trên một số khía cạnh: Thiếu các dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi; Nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn chưa được quan tâm phát triển; Chất lượng chăm sóc người cao tuổi còn chưa cao; Thiếu nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng; ...


T.H
Ý kiến của bạn